Văn hóa - Giải Trí

Tranh chấp tên Hoa hậu Hòa bình Việt Nam: Có thể phạt đến 500 triệu đồng!

07/06/2022, 17:05
image

Luật sư Trần Xuân Tiền cho biết: Nếu chứng minh được, tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt lên tới 500.000.000 đồng.

Những ngày qua, lùm xùm tranh chấp tên gọi cuộc thi Miss Peace Vietnam - Hoa Hậu Hòa Bình Việt Nam do Công ty Minh Khang tổ chức và Miss Grand Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam do Công ty Sen Vàng tổ chức trở thành tâm điểm của dư luận.

Đáng nói, cả hai công ty đều đã được Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho kịch bản cuộc thi.

img

Hoa hậu H'Hen Niê là đại sứ của cuộc thi Miss Peace Vietnam - Hoa Hậu Hòa Bình Việt Nam

Trong đó, Sen Vàng được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho kịch bản cuộc thi Miss Grand Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam. Còn Minh Khang được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho kịch bản cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2023.

Hiện, cả phía Minh Khang và Sen Vàng đều yêu cầu đối phương thay đổi tên gọi cuộc thi để tránh sự hiểu nhầm vì có sự trùng khớp phần dịch nghĩa tên cuộc thi là Hoa hậu Hòa bình Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề này, Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội.

Sen Vàng không có quyền ngăn cản Minh Khang đổi tên cuộc thi

Theo Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Công ty Minh Khang được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho kịch bản cuộc thi "Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2023" vào ngày 21/3/2022. Công ty Sen Vàng được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho kịch bản cuộc thi Miss Grand Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam vào ngày 8/4/2022. Điều này mang lại các quyền lợi như thế nào đối với mỗi đơn vị tổ chức, thưa ông?

Theo quy định tại Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu trí tuệ bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.

Theo đó, việc Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận 4 nhãn hiệu hợp lệ của Công ty Minh Khang (gồm Miss Peace International; Miss Peace Vietnam; Hoa khôi Hòa bình Việt Nam; Hoa hậu Hòa bình Việt Nam) đồng nghĩa với việc Công ty Minh Khang có các quyền sở hữu công nghiệp của chủ sở hữu và được pháp luật bảo hộ.

Cụ thể, Điều 123 Luật Sở hữu trí tuệ quy định, chủ sở hữu có quyền sử dụng hoặc cho phép người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp. Đồng thời có quyền ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp trong một số trường hợp nhất định; quyền định đoạt đối tượng sở hữu công nghiệp, bao gồm việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp và đối tượng sở hữu công nghiệp.

Ngoài ra, việc Công ty Minh Khang đăng ký bản quyền đối với kịch bản chương trình cuộc thi “Hoa hậu Hoà bình Việt Nam 2023” cũng làm phát sinh quyền tác giả đối với kịch bản cuộc thi, bao gồm cả nội dung tổ chức và tên cuộc thi.

img

Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả cho cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2023

img

Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả Cuộc thi Miss Grand Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam

Như vậy, từ những phân tích trên có thể lý giải được tranh chấp về tên cuộc thi “Hoa hậu Hoà bình Việt Nam" hiện nay giữa Công ty Minh Khang và Sen Vàng.

Cụ thể, Công ty Minh Khang không có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Công ty Sen Vàng, mặt khác Công ty Sen Vàng cũng không có quyền ngăn cản Minh Khang tổ chức cuộc thi sắc đẹp với tên “Hoa hậu Hoà bình Việt Nam".

Bởi lẽ, Công ty Minh Khang đã thực hiện đăng ký nhãn hiệu “Miss Peace Vietnam" và “Hoa hậu Hoà bình Việt Nam" vào tháng 3/2022 và có toàn bộ các quyền của chủ sở hữu đối với nhãn hiệu này.

Trong khi đó, Công ty Sen Vàng thực hiện đăng ký vào tháng 4/2022 với logo “Miss Grand Vietnam - Hoa hậu Hoà bình Việt Nam” nhưng là đăng ký Quyền tác giả với logo trên. Nên Công ty Sen Vàng không có quyền ngăn cản người khác sử dụng tên gọi đối với cuộc thi mà họ đã đăng ký trước, cũng không có quyền đề nghị công ty Minh Khang thay đổi tên gọi cuộc thi.

Tuy nhiên Công ty Sen Vàng đã được cấp bản quyền cho cuộc thi “Miss Grand Vietnam - Hoa hậu Hoà bình Việt Nam” nhưng kèm với logo khác, thì Công ty Sen Vàng có sai không?

Trong trường hợp một nhãn hiệu đã được doanh nghiệp đăng ký quyền sở hữu trí tuệ thì tổng hòa cách trình bày màu sắc, đường nét của nhãn hiệu đó sẽ được pháp luật bảo hộ.

Các cá nhân, tổ chức khác không được quyền sao chép hoặc sử dụng các dấu hiệu trùng, tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ.

Trong trường hợp này, nếu nhãn hiệu bao gồm dòng chữ “Hoa hậu Hòa bình” cũng như các yếu tố màu sắc, thiết kế kèm theo đã được đăng ký bảo hộ Quyền sở hữu trí tuệ, mà các đơn vị khác sử dụng logo không trùng nhưng đi kèm dòng chữ “Hoa hậu Hòa bình” thì trường hợp này có thể có hành vi vi phạm theo điểm c Khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ.

img

Nguyễn Thúc Thùy Tiên là đại diện do Công ty Sen Vàng cử đi và đăng quang Miss Grand International 2021

Căn cứ vào nội dung quy định nêu trên, hành vi này được coi là “Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu đã được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự”. Cụ thể, dấu hiệu ở đây là dòng chữ “Hoa hậu Hòa bình”, còn hàng hóa, dịch vụ được hiểu là tập hợp hoạt động kinh doanh, tổ chức các kỳ thi sắc đẹp.

Nếu chứng minh được đầy đủ sự tương tự giữa dấu hiệu vi phạm và nhãn hiệu được bảo hộ, người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên tới 250.000.000 đồng theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 126/2021/NĐ-CP). Nếu người vi phạm là tổ chức, mức phạt có thể lên tới 500.000.000 đồng.

Vì sao Cục Bản quyền chấp thuận đăng ký quyền tác giả cho cả hai cuộc thi?

Như vậy, việc Cục Bản quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho 2 cuộc thi cùng tên "Hoa hậu Hòa bình" như trên có đúng luật không, thưa ông?

Về vấn đề Cục Bản quyền và tác giả thực hiện việc cấp phép cho hai cuộc thi của Công ty Minh Khang và Công ty Sen Vàng với hai kịch bản cùng có nội dung “Hoa hậu Hòa bình”, đặt ra một số vấn đề cần xem xét như sau:

Nội dung mà Cục Bản quyền chấp thuận đăng ký quyền tác giả cho cả hai bên, đó là Quyền tác giả đối với tác phẩm là “Kịch bản chương trình”.

Điều này cho thấy, Cục Bản quyền xem xét bảo hộ với các nội dung trong kịch bản là chính, như điều lệ, quy cách tổ chức và thể lệ trao thưởng của cuộc thi, tên cuộc thi chỉ là một phần nhỏ trong nội dung đăng ký và mang tính hình thức (đối với cả kịch bản), không phải là căn cứ quyết định xem xét chấp nhận đăng ký Quyền tác giả hay không.

Về vấn đề tên cuộc thi, có thể thấy so sánh giữa hai cái tên, là “Cuộc thi hoa hậu hòa bình Việt Nam 2023” (Do Công ty Minh Khang đăng ký) và “Miss Grand Việt Nam - Hoa hậu hòa bình Việt Nam”, chúng ta thấy ngoài yếu tố trùng là “Hoa hậu Hòa bình”, các yếu tố còn lại đều khác biệt hoặc là các thông tin thông thường như tên quốc gia, mốc thời gian.

Do đó, ngoài yếu tố trùng, hai cái tên này còn nhiều yếu tố để phân biệt và không dễ gây nhầm lẫn.

Xin cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.