Ngày 25/1, tại phiên tòa xét xử vụ án chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình làm 9 người chết, các luật sư đã đưa ra quan điểm bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Tuấn với cáo buộc "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Sau đó là tranh luận của các luật sư về phần dân sự.
Luật sư Nguyễn Danh Huế, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, khi xảy ra sự cố y khoa làm 9 người chết, phía bệnh viện chịu thiệt hại lớn về danh dự, vật chất và tinh thần.
Ngày 25/5/2017, Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn ký kết hợp đồng số 315 với bệnh viện. Sau đó, Công ty Thiên Sơn đã chuyển nhượng thầu trái phép cho một đơn vị không có năng lực là Công ty Xử lý nước Trâm Anh do bị cáo Bùi Mạnh Quốc làm giám đốc dẫn đến sự cố y khoa đáng tiếc.
Theo luật sư Huế, khi Công ty Thiên Sơn ký Hợp đồng 05 với Công ty của bị cáo Quốc, ông Trương Quý Dương, khi đó là Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình hoàn toàn không biết có hợp đồng chuyển nhượng này; không biết Thiên Sơn chuyển giao nghĩa vụ sửa chữa hệ thống RO cho Bùi Mạnh Quốc. Khi biết, thì phía bệnh viện đã ra Quyết định xử lý hành chính với Công ty Thiên Sơn và bản thân Công ty Thiên Sơn cũng không có khiếu nại gì.
Từ những lý lẽ trên, luật sư Nguyễn Danh Huế đề nghị HĐXX buộc Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn phải bồi thường hoàn toàn thiệt hại cho các bị hại. Bên cạnh đó, việc Thiên Sơn chuyển nhượng thầu trái phép gây thiệt hại cho bệnh viện hơn 2 tỉ đồng, cho nên Thiên Sơn phải bồi thường cho bệnh viện số tiền này.
Ông Nguyễn Danh Huế cho biết, không đồng tình với cáo buộc của VKS khi cho rằng Công ty Thiên Sơn liên đới chịu trách nhiệm về mặt dân sự trong sự cố y khoa này mà phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.
Luật sư Nguyễn Hữu Toại, người bảo vệ quyền và lợi ích cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình phủ nhận số tiền mà bệnh viện đã bồi thường cho các bị hại là 290 triệu đồng như ý kiến của vị đại diện VKS. Số tiền mà bệnh viện bồi thường cho các bị hại theo luật sư Nguyễn Hữu Toại là 370 triệu đồng.
Liên quan vấn đề này, Kiểm sát viên Bùi Thị Thu Hằng, VKSND TP Hòa Bình cho rằng, phía bị hại không chấp nhận số tiền 370 triệu đồng là số tiền bồi thường. Bởi 20 triệu ban đầu là tiền bệnh viện hỗ trợ cho 9 bị hại, không phải tiền bồi thường.
Ngoài ra, VKS cho rằng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình yêu cầu Công ty Thiên Sơn bồi thường 3 tỉ đồng tiền thiệt hại. VKS nhận thấy đây là số tiền bồi thường ngoài hợp đồng, cần giải quyết ở vụ án khác.
Đại diện VKS bảo lưu quan điểm Hợp đồng 05 giữa Thiên Sơn và Trâm Anh được ký kết sau sự cố nên đây không phải là chuyển nhượng thầu như luật sư Nguyễn Danh Huế nói.
Còn việc liên đới bồi thường, VKS thấy rằng căn cứ vào biên bản bàn giao hệ thống RO sau sự cố, bị cáo Bùi Mạnh Quốc thực hiện nhiệm vụ bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống RO số 2 với tư cách Công ty Thiên Sơn nên phải liên đới bồi thường.
Về số tiền bồi thường cho các bị hại là 290 triệu đồng hay 370 triệu đồng, bị cáo Trương Quý Dương bày tỏ quan điểm. Bị cáo Dương cho rằng trong 2 ngày xảy ra sự cố 29/5/2017 và 30/5/2017 khi biết có bệnh nhân tử vong, ông đã chỉ đạo bằng miệng đề nghị phòng tài chính kế toán tạm ứng 10 triệu đồng để hỗ trợ cho các bị hại. Sau đó, ông chỉ đạo chi tiếp 10 triệu đồng để thắp hương cho các gia đình có bệnh nhân tử vong.
Ông Dương khẳng định, đây là tiền hỗ trợ, thắp hương, không phải tiền bồi thường. Nếu bệnh viện cho rằng đây là số tiền bồi thường thì ông sẵn sàng “bỏ tiền túi” để bù vào số tiền đã chi này.
Luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương, đại diện pháp luật của Công ty Thiên Sơn đối đáp lại quan điểm của luật sư của bệnh viện. Nữ luật sư cho rằng Thiên Sơn đang thực hiện Hợp đồng 315 với bệnh viện. Hợp đồng này chưa hết hạn thì lấy gì để đánh giá việc Thiên Sơn vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng.
Bà Hương khẳng định nghĩa vụ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phải có mối quan hệ nhân quả với hậu quả xảy ra và cho rằng “không thấy có một vụ án nào mà hai bị đơn đòi tiền nhau tại tòa".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận