Xe bồn chở nhựa đường lao xuống vực khi vượt đèo Hải Vân tháng 11/2016 khiến 2 người thương vong - Ảnh: Văn Tiến |
Những ý kiến trái chiều về việc nên hay không cho phép các phương tiện quy định trong danh mục chở hàng hóa nguy hiểm như xăng dầu, hóa chất, gia súc... đi qua hầm đường bộ đã xuất hiện từ cách đây hơn chục năm.
Còn nhớ, năm 2005 khi thông xe, đưa vào khai thác hầm Hải Vân - một trong những hầm đường bộ hiện đại đầu tiên của Việt Nam và dài nhất Đông Nam Á thời điểm đó, cũng nổ ra những cuộc tranh luận gay gắt trong giới chuyên gia, nhà quản lý và cả dư luận xã hội về việc có cho xe máy, nhất là các xe thuộc diện chở hàng trong danh mục nguy hiểm đi qua hay không.
Trước khi thông hầm, đèo Hải Vân vẫn được coi là cung đường nguy hiểm bậc nhất trên tuyến QL1, là nơi thường xuyên xảy ra những vụ tai nạn lật xe thảm khốc, cướp đi sinh mạng của không biết bao nhiêu người. Đặc biệt, với nhiều khúc cua tay áo, cộng thêm độ dốc lớn, Hải Vân quan là nỗi kinh hoàng của các xe tải nặng, mỗi khi qua đây tài xế nơm nớp lo sợ lật xe và phải mất nhiều giờ đồng hồ mới qua được đèo. Chính vì vậy, khi có hầm Hải Vân, nhiều ý kiến cho rằng cần phải tổ chức phương tiện trung chuyển hoặc chọn khung giờ cho các loại xe này lưu thông, hạn chế tai nạn thương tâm và giảm bớt chi phí vận chuyển.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, không ít người phản biện, để loại xe này qua hầm nếu xảy ra tai nạn, nhất là cháy nổ dễ gây thảm họa kinh hoàng. Thiệt hại về tính mạng con người và kinh tế là khó đong đếm. Và quan điểm này đã chiếm ưu thế. Sau đó, hầm Hải Vân cấm toàn bộ các phương tiện chở hàng hóa trong danh mục nguy hiểm.
Sau hơn chục năm, đến nay Việt Nam không chỉ có hầm Hải Vân mà đã đầu tư thêm rất nhiều tuyến hầm hiện đại khác. Trong đó, có thể kể đến hầm qua đèo Ngang, Phú Gia - Phước Tượng, một số hầm trên các tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai và đặc biệt là Cổ Mã, Đèo Cả vừa được thông xe, khai thác gần đây. Điều này một lần nữa châm ngòi cho những tranh luận về chủ đề này. Lý do quan trọng nhất nhiều người đưa ra là sự lãng phí. Để đầu tư một tuyến hầm hiện đại, tốn kém hơn rất nhiều cây cầu hay đường bộ thông thường. Nếu không khai thác hết tiềm năng, công suất sẽ rất phí phạm. Với hơn 1.700 danh mục hàng hóa thuộc diện nguy hiểm, nếu tổ chức khai thác hợp lý sẽ mang lại hiệu quả to lớn, đồng thời giảm bớt tai nạn, thiệt hại cho người và phương tiện khi phải lưu thông qua đèo nguy hiểm.
Tuy nhiên, tất cả những ý kiến trên mới chỉ dừng lại ở đề xuất và tranh luận. Trước khi có quyết định cuối cùng, cần phải đánh giá và nghiên cứu kỹ càng để vừa tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, vừa đảm bảo an toàn cho tính mạng con người, phương tiện và cả những tuyến hầm đắt đỏ, lên đến hàng nghìn tỷ đồng đã bỏ ra đầu tư. Dư luận và người dân mong chờ cơ quan quản lý và các nhà khoa học sẽ cùng bắt tay nghiên cứu và có câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận