Thời sự

Tranh luận nảy lửa về mở rộng hình thức tố cáo

25/05/2018, 06:06

Ngày 24/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi). Nên hay không nên mở rộng...

9

ĐB Lưu Bình Nhưỡng phát biểu thảo luận tại hội trường

Không nên mở rộng hình thức tố cáo qua điện thoại, email, fax

Liên quan đến quy định hình thức tố cáo, đại đa số các ĐBQH phát biểu đều đề nghị giữ nguyên các hình thức tố cáo “truyền thống” bằng đơn và tố cáo trực tiếp.

ĐB Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) nói nêu quy định như vậy mới xử lý được. Bởi, nếu tố cáo qua fax, điện thoại, thư điện tử có thể dẫn tới tình trạng tố cáo tràn lan gây khó khăn, quá tải cho cơ quan Nhà nước trong quá trình giải quyết.

Thừa nhận trong thời đại khoa học công nghệ phát triển, sử dụng mạng xã hội, email, fax để tố cáo rất thuận tiện cho người dân, nhưng ĐB Võ Đình Tín (Đắk Nông) cũng bày tỏ lo ngại nếu mở rộng sẽ dẫn đến tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, gây khó khăn cho các cơ quan Nhà nước trong quá trình xem xét và việc xác minh trách nhiệm của những người tố cáo sai sự thật. Nguyên nhân do khó xác định được người tố cáo là ai. Đồng thời, cũng có thể tạo kẽ hở để một số người lợi dụng quyền tố cáo nhằm vu cáo, vu khống, xúc phạm danh dự của người khác.

ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) dẫn số liệu về tổng kết 4 năm thi hành Luật Tố cáo cho thấy, có 59,35% là đơn tố cáo sai, 28,3% là tố cáo có đúng, có sai. Từ đó, bà Thủy cho rằng, nếu tiếp tục mở rộng các hình thức tố cáo khác nữa thì cũng gây khó khăn trong việc xác minh, xử lý... Bên cạnh đó, không thể ngăn ngừa được các tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo này để vu khống, để bôi xấu. ĐB Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) cùng chung quan điểm, dù nhấn mạnh quyền tố cáo là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp quy định. “Thực tế, rất khó kiểm soát người tố cáo qua máy fax dịch vụ bên ngoài xã hội, hộp thư điện tử tự tạo lập ảo rất dễ dàng, khó kiểm soát đối với những người sử dụng sim rác”, ĐB tỉnh Vĩnh Phúc góp ý.

Nữ ĐB tỉnh Phú Thọ Lê Thị Yến lo ngại việc mở rộng hình thức tố cáo có thể dẫn đến nguy cơ lộ, lọt thông tin cá nhân về người tố cáo. Trong khi đó, dự thảo luật đang coi đây là thông tin được bảo vệ bí mật.

Không thể “thấy khó không làm”

Không đồng tình với những quan điểm trên, ĐB Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho rằng, tố cáo là một quyền hiến định nên chúng ta phải tạo điều kiện cho công dân tố cáo và có trách nhiệm trả lời đầy đủ. Theo ông Cầu, nếu bỏ đi các kênh tố cáo qua điện thoại, fax, email tức là làm mất đi một kênh thông tin rất quan trọng.

Tranh luận ngay với ĐB Cầu, ĐB Trần Văn Mão nêu thực tiễn vừa qua, số vụ tố cáo, thụ lý giải quyết tố cáo chỉ đạt tỷ lệ chưa đầy 18% là tố cáo đúng, còn chủ yếu là tố cáo sai và tố cáo có đúng, có sai. Nếu mở rộng hình thức tố cáo e sẽ có sự lợi dụng dân chủ, tố cáo tràn lan, gây khó khăn và quá tải trong xử lý. “Với 15 năm làm công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, chúng tôi thấy rằng, chỉ một cú điện thoại mà chúng ta đã phải huy động hết tất cả các cơ quan, tổ chức có liên quan hoặc một tin nhắn nhưng cũng cần phải có một thời gian rất dài để xác minh, như thế sẽ vô cùng khó khăn và tạo ra một áp lực rất lớn”, ông Mão nói và cho rằng, quy định như hiện hành là phù hợp và bảo đảm tính khả thi cũng như bảo đảm tầm kiểm soát, ràng buộc trách nhiệm của các bên có liên quan.

Tiếp tục tranh luận lại, ĐB Cầu khẳng định: “Chúng ta là những công chức Nhà nước, đã ăn lương từ thuế của dân thì tất cả những yêu cầu của dân chúng ta phải làm, đó là mặt nguyên tắc. Chúng ta không thể thấy khó là không làm.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cũng đồng tình quan điểm này và cho rằng, trong thời đại công nghệ 4.0, nếu không dùng điện thoại thông minh có nghĩa đã quay lại “thời kỳ 0.4”. Ông Nhưỡng cũng nhấn mạnh, điện thoại là trực tiếp chứ không phải gián tiếp. “Chúng ta đang cố gắng xóa bỏ sim rác, đang tiến hành để đăng ký lại người dùng trong điện thoại. Câu chuyện này chúng ta sẽ xử lý được chứ không nên thoái thác rằng, đây là vấn đề khó khăn để từ chối việc tố cáo”, ông Nhưỡng nêu quan điểm.

Mở rộng đối tượng được bảo vệ

Liên quan đến cơ chế bảo vệ người tố cáo, Dự luật sửa đổi mở rộng hơn đối tượng bảo vệ và phạm vi bảo vệ. Theo đó, người được bảo vệ bao gồm người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo. Đồng tình việc này, nhưng ĐB Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) vẫn băn khoăn về một số đối tượng khác cũng cần được xem xét để bảo vệ nhưng luật chưa đề cập đến, như người phản ánh, người làm chứng, người giữ chứng cứ, tài liệu có liên quan đến nội dung tố cáo hoặc người cung cấp thông tin...

Nữ ĐB tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị cân nhắc thêm việc không nên thu hẹp hoặc giới hạn đối tượng bảo vệ, thậm chí cần mở rộng hơn đối tượng được bảo vệ nhằm khuyến khích người dân thực hiện quyền tố cáo.

Thay mặt cơ quan thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu các ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, ngay trong chiều 24/5, Ủy ban Pháp luật sẽ trao đổi với Thanh tra Chính phủ để báo cáo với Chính phủ và sẽ có phân loại vấn đề, nghiên cứu để tiếp thu một cách nhiều nhất ý kiến của ĐBQH, ý kiến nào không được tiếp thu sẽ có giải trình rõ ràng.

Mở rộng điều tra hành vi vi phạm cạnh tranh ngoài lãnh thổ

Cùng ngày, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Theo đó, điểm nổi bật của dự án sửa đổi lần này cho phép mở rộng phạm vi điều chỉnh cả hành vi thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam nhất là trong trường hợp không có điều ước quốc tế giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác.

Dẫn lại sự việc Bộ Công thương đã chính thức điều tra thương vụ Grap mua lại toàn bộ thị trường châu Á của Uber, đại biểu Phạm Quang Thanh (Hà Nội) nhận định, trong thời đại công nghệ 4.0, hành vi cạnh tranh không lành mạnh diễn ra dưới nhiều hình thức tinh vi có độ ảnh hưởng lớn. DN cũng không cần phải hiện diện tại quốc gia nơi có hoạt động kinh doanh. “Nếu như không cho phép mở rộng phạm vi điều tra ngoài lãnh thổ, rất khó để cơ quan chức năng có thể xử lý những hành vi vi phạm cạnh tranh như thương vụ Grap - Uber vừa qua”, ông Thanh nói.

Đồng tình với quy định Cơ quan cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công thương, tuy nhiên nhiều đại biểu cho rằng, cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan này trong luật. Một số ý kiến đề nghị quy định Cơ quan Quản lý cạnh tranh thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội để bảo đảm tính độc lập, khách quan trong xử lý vụ việc cạnh tranh.

Hoàng Ngân

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.