Thời sự

Tranh luận “nảy lửa” xử lý hình sự trẻ em, kinh doanh đa cấp

25/05/2017, 06:55

ĐBQH đưa ra quan điểm khác nhau về việc quy định trách nhiệm hình sự đối với trẻ em và kinh doanh đa cấp.

5

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa phát biểu tại hội trường ngày 24/5

Thảo luận tại hội trường ngày 24/5 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100 (BLHS), các ĐBQH đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về việc quy định trách nhiệm hình sự đối với trẻ em và kinh doanh đa cấp.

Xử lý hình sự trẻ vị thành niên: Nặng hay nhẹ?

Dẫn ra hàng loạt số liệu, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, nếu quy định xử lý hình sự trẻ vị thành niên như BLHS 2015 là rất nặng, gần như không có sự phân hóa giữa trẻ em và người lớn phạm tội. Trong khi độ tuổi từ 14 - dưới 16 tuổi diễn ra nhiều thay đổi về tâm sinh lý, tò mò, hiếu động, dễ bắt chước những điều mới lạ, hạn chế pháp luật... Vì thế, theo bà Thủy, chỉ xử lý hình sự khi các cháu phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý và đặc biệt nghiêm trọng như từ trước tới nay. ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cũng đồng tình việc chỉ xử lý những trường hợp rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng.

Trong khi đó, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, mỗi chúng ta khi nghe đến những vụ việc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng xảy ra do người chưa thành niên vi phạm pháp luật gây nên thì đều rất bức xúc, thậm chí có ý kiến còn đề nghị mức hình phạt cao nhất. Tuy nhiên, đây chỉ là một số ít trong số các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, không mang tính phổ biến xảy ra trong xã hội do người chưa thành niên gây ra. Chúng ta không thể lấy số ít các vụ án không mang tính phổ biến để xây dựng chính sách chung cho toàn xã hội. Chúng ta không thể xây dựng chính sách pháp luật một cách cảm tính mà cần dựa trên yêu cầu của thực tiễn, trên các số liệu cụ thể và có thể tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài, tham khảo kinh nghiệm của các chuyên gia, các cơ quan hữu quan.

Ấn nút tranh luận cuối buổi thảo luận, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, ông muốn tiếp cận ở góc độ khác để các ĐB tham khảo trước khi bỏ phiếu. Ông Bình cho rằng, các ĐB đang bàn quá nhiều vào độ tuổi, trong khi cái đáng quan tâm là hướng tới chính sách xử lý.

Ông Bình dẫn chứng tại Pháp, họ áp dụng tăng các biện pháp giáo dục, hạn chế biện pháp cưỡng chế, tù giam. Những trường hợp buộc đưa vào tù là do tái phạm nhiều. Với tất cả các án liên quan đến trẻ em phải xử kín, đảm bảo các cháu không bị xúc phạm, để có cơ hội sửa sai về sau. ”Họ cũng không quy định độ tuổi 14 -16 và 16 -18 như ta. Độ tuổi của các cháu vị thành niên do HĐXX quyết định trên cơ sở nhận thức của các cháu với hành vi phạm tội đó, áp dụng cá biệt trong từng trường hợp cụ thể, nên 15 tuổi có thể bị xử nặng hơn 17”, ông Bình dẫn chứng và cho rằng, không nên loại trừ trường hợp nào. Như đánh nhau, dù không có % thương tích nhưng lột quần, áo thì có thể dẫn đến tự sát do xấu hổ, hậu quả rất nghiêm trọng, những vụ đó vẫn đưa ra tòa án nhưng là để cảnh cáo, giáo dục, hòa giải là cần thiết, chứ không phải ép các em vào tù.

Lo “lợi bất cập hại” khi bổ sung tội kinh doanh đa cấp trái phép

Liên quan đến việc BLHS 2015 bổ sung “Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga khi trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật cho biết, đa số ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung một điều luật mới về "Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp" để xử lý hình sự hành vi kinh doanh đa cấp trái phép, tránh để xảy ra hậu quả rồi mới xử lý về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như một số vụ án liên quan đến kinh doanh đa cấp vừa qua. Tuy vậy, một số ý kiến đề nghị không bổ sung quy định này.

Quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, kinh doanh đa cấp là phương thức kinh doanh hiện đại, nếu tuân thủ đúng pháp luật thì sẽ phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, nếu kinh doanh theo phương thức đa cấp mà vi phạm quy định của pháp luật thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ra hậu quả rất lớn.

Theo ĐB Bạch Thị Khương Thủy, kinh doanh đa cấp trá hình thời gian qua diễn ra phức tạp, thủ đoạn tinh vi đánh vào tâm lý hám lợi, lợi dụng khe hở pháp luật để trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thực tiễn cho thấy, tình hình diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng nên bổ sung tội trên vào luật là cần thiết.

Không đồng tình với quan điểm trên, ĐB Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, chưa có cơ sở để bổ sung quy định trên và giải trình cũng chưa làm rõ nguyên nhân và cách xử lý. “BLHS đã bỏ tội kinh doanh trái phép vì nó không phù hợp tình hình thực tế, người dân có quyền tự do kinh doanh ở lĩnh vực mà pháp luật không cấm, nay thêm "Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp" là không phù hợp”, ông Xuyền nêu ý kiến.

Ông cũng cho rằng, với thiết kế như dự thảo thì chưa chắc xử lý được vì họ được cấp phép đăng ký kinh doanh đầy đủ. Hơn nữa, khung hình phạt cao nhất chỉ 5 năm tù là nhẹ hơn rất nhiều so với tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản" với khung hình phạt lên đến 20 năm và chung thân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.