Người dân kỳ vọng các ĐBQH chất vấn tại nghị trường với tinh thần không né tránh. Ảnh: Lã Anh |
Cùng với sự đổi mới các phiên thảo luận trên hội trường khi các ĐBQH có quyền giơ biển xin tranh luận, tại phiên chất vấn đầu tiên của kỳ họp Quốc hội khoá XIV, các ĐBQH tiếp tục được quyền tranh luận trực tiếp, chất vấn đến cùng sự việc.
Đó là điểm đổi mới trong chất vấn được Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho Báo Giao thông biết trước ngày diễn ra phiên chất vấn đầu tiên của Kỳ họp thứ XIV.
Làm rõ đến cùng chất vấn của ĐBQH
Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, phiên chất vấn diễn ra vào ngày mai (15/11) đã chọn ra bốn nhóm vấn đề cùng với bốn Bộ trưởng đăng đàn trả lời chất vấn. Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công thương sẽ đăng đàn trả lời việc đánh giá tổng thể, phương án xử lý các dự án, nhà máy thua lỗ, kém hiệu quả; Giải pháp củng cố hệ thống bán lẻ hàng hóa, kiểm soát kinh doanh đa cấp, quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; Chính sách đột phá phát triển ngành ô tô…
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà sẽ trả lời về việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý chất thải của các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu dân cư; Trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thẩm định triển khai các dự án để xảy ra sự cố môi trường...
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Quang Nhạ sẽ đăng đàn trả lời về tình hình thực hiện chương trình cải cách giáo dục và đào tạo, đổi mới giáo dục toàn diện, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp...
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân sẽ trả lời chất vấn của các ĐBQH về tinh giản biên chế, thực hiện đề án vị trí việc làm; Giải pháp cải cách tiền lương, nâng cao trách nhiệm, kỷ luật công vụ, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chỉ số hài lòng của nhân dân trong đánh giá chế độ công vụ, công chức và đổi mới công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ…
Về điểm mới của phiên chất vấn lần này, ông Phúc cho biết, nếu như thảo luận các ĐBQH được quyền giơ biển xin tranh luận thì tại phiên chất vấn, các ĐBQH cũng có quyền này để hỏi và chất vấn đến cùng. Các thành viên Chính phủ đăng đàn sẽ trả lời làm rõ mọi chất vấn từ phía các ĐBQH. Các Bộ trưởng, trưởng ngành khác có liên quan đến chất vấn của ĐBQH cũng có thể giải trình, làm rõ thêm.
Ngoài ra, trong tổng số 2,5 ngày dành cho hoạt động chất vấn, Quốc hội sẽ dành nửa ngày để người đứng đầu Chính phủ đăng đàn trả lời chất vấn. Cùng với đó, các Phó Thủ tướng cũng có thể giải trình làm rõ thêm vấn đề mình phụ trách.
Đánh giá điều hành của Chính phủ qua từng năm
Đó là đề xuất của ĐBQH Vũ Trọng Kim (Hải Dương). Theo ông Kim, điều cử tri quan tâm trong phiên chất vấn là những giải pháp mà Chính phủ nhiệm kỳ này sẽ thực hiện để hiện thực hóa tinh thần Thủ tướng đã nêu, đó là xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển. Vì thế, không nên chờ tới 5 năm mới đánh giá chất lượng điều hành, quản lý của các thành viên Chính phủ mà việc này cần làm từng quý, từng năm để “thấy rõ sự tiến bộ của Chính phủ”.
Chia sẻ cụ thể về các vấn đề được đem ra chất vấn tại kỳ họp này, vị ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, riêng với việc chất vấn về các dự án nghìn tỷ đắp chiếu chỉ mang tính chất điển hình vì thực tế còn nhiều hơn thế. Trong việc này, phải làm rõ trách nhiệm quản lý của các Bộ, ngành, địa phương khi để xảy ra tồn đọng trong việc đầu tư những công trình lớn nhưng lại không có hiệu quả.
“Việc đem các dự án này ra chất vấn mới chỉ là biện pháp bắt đầu để ĐBQH và nhân dân có thể theo dõi, giám sát chứ chưa phải là tìm ra đầy đủ những nguyên nhân, quy kết trách nhiệm cùng những giải pháp đi đến cùng sự việc”, ông Kim nhận định và chia sẻ thêm, bản thân ông sẽ có chất vấn về những biện pháp để huy động vốn đầu tư, làm tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Về vấn đề công tác bổ nhiệm cán bộ, ông Kim cho rằng, những chuyện đã xảy ra phải coi đó là bài học răn đe, để từ đó rút ra kinh nghiệm làm tốt hơn.
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cũng đánh giá việc lựa chọn vấn đề công tác cán bộ chất vấn tại kỳ họp này là rất chính đáng, bởi lâu nay, đây luôn là khâu then chốt, là yếu tố quyết định cho mọi vấn đề. Theo ông Học, chúng ta luôn đánh giá bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, cần phải được thu gọn, đội ngũ cán bộ nhiều nhưng chưa chất lượng, cần tinh giản để bộ máy gọn nhẹ, năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu. Vì thế, vấn đề này sẽ được ĐBQH nêu ra để đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Thủ tướng có ý kiến.
Vị đại biểu tỉnh Phú Yên cũng bày tỏ mong muốn làm sao không khí của phiên chất vấn phải là phiên tranh luận, đối thoại giữa các Bộ trưởng, trưởng ngành, các thành viên Chính phủ và ĐBQH, không phải chỉ đơn thuần hỏi và trả lời. “Phải làm sao các Bộ trưởng với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm nêu rõ thực trạng tình hình, cái khó thế nào, cái thuận lợi ra sao, và chiều hướng sắp tới trong từng nội dung, lĩnh vực mà đại biểu quan tâm. Còn các ĐBQH cũng với tinh thần không né tránh, không sợ va chạm để nêu vấn đề mà người dân quan tâm ra Quốc hội”, ông Học nói.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội): Chất vấn không phải “đánh đố” Bộ trưởngTôi rất kỳ vọng phiên chất vấn lần này. Thực ra chất vấn không phải là vấn đề “đánh đố” các Bộ trưởng hay vấn đề móc mói sai phạm của ngành này, ngành kia. Mà chất vấn ở đây là nêu những vấn đề xã hội quan tâm để cùng mổ xẻ, phân tích, tìm ra những giải pháp. Ví dụ công tác bổ nhiệm cán bộ bây giờ có tình trạng là bổ nhiệm tràn lan, bổ nhiệm sai quy trình... Vậy đặt ra yêu cầu là phải làm thế nào để giải quyết được tình trạng đó. Tôi rất kỳ vọng Quốc hội lần này sẽ tăng cường tranh luận, tranh luận đến cùng vấn đề thì sẽ đi đến được giải pháp cụ thể. |
Người dân luôn muốn trong phiên chất vấn, các ĐBQH sẽ tập trung vào vấn đề rất căn bản, “nóng”, vấn đề người dân thực sự quan tâm. Trong đó có những vấn đề không chỉ liên quan đến một bộ, ngành, không chỉ một tư lệnh ngành có thể trả lời làm rõ được mà phải có sự tham gia của “Tổng tư lệnh”. ĐBQH Dương Trung Quốc |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận