Đẩy mạnh năng suất thi công
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Đức Tuân, Phó giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, tính từ thời điểm khởi công đến nay, sản lượng thi công dự án đạt 773 tỷ đồng, đạt 6,5% giá trị các hợp đồng và đạt 58% so với kế hoạch nhà thầu đăng ký.
Các nhà thầu đang tích cực huy động nguồn lực, tranh thủ thời tiết thuận lợi, đẩy mạnh triển khai tuyến cao tốc đoạn Hậu Giang - Cà Mau trên diện tích mặt bằng đã được bàn giao - Ảnh minh hoạ.
Tổng giá trị giải ngân cho dự án đến hiện tại đạt gần 2.200 tỷ đồng (bằng 50% kế hoạch năm 2023). Trong đó, công tác giải ngân giải phóng mặt bằng đạt xấp xỉ 485 tỷ đồng; Giải ngân chi phí tư vấn đạt hơn 141 tỷ đồng; Công tác xây lắp giải ngân hơn 1.566 tỷ đồng.
“Khối lượng thực hiện chưa đáp ứng được kỳ vọng, song, năng suất thi công trên hiện trường đã có sự cải thiện rõ rệt.
Nếu thời điểm bắt đầu triển khai dự án, trung bình mỗi tháng giá trị sản lượng thi công các gói thầu chỉ đạt 20 - 40 tỷ đồng/tháng thì hiện tại, con số trung bình một tháng đạt được khoảng 100 tỷ đồng, có thời điểm đạt ngưỡng 150 tỷ đồng/tháng.
Công tác huy động nguồn lực cũng được đẩy mạnh, tăng khoảng 30% so với đầu năm với 88 mũi thi công, gần 700 nhân lực, hơn 250 máy móc đã được đưa vào công trường, tập trung thi công những hạng mục: khoan/đóng cọc, móng mố trụ cầu (41/86 cầu đang triển khai); đào bóc hữu cơ tuyến chính và đắp nền cát, thi công đường công vụ, cầu tạm...”, ông Tuân thông tin.
Hai thách thức lớn
Theo lãnh đạo Ban QLDA Mỹ Thuận, những tháng cuối năm 2023, dự án cần giải ngân thêm 2.184 tỷ đồng để hoàn thành 100% kế hoạch vốn được giao. Song, dự án vẫn đang gặp phải một số khó khăn lớn liên quan đến mặt bằng, vật liệu.
Cụ thể, với công tác GPMB, báo cáo cho thấy, hiện nay, diện tích mặt bằng được hơn 86km, đạt 96%. Trong đó, tuyến chính đã bàn giao hơn 72km (đạt 98%), tuyến nối được gần 14km (đạt 84%).
Thực tế mặt bằng có thể thi công được trên tuyến chính chỉ đạt gần 69km. Tuyến nối tổ chức thi công được trên khoảng 13,95km. Nhiều vị trí vướng hộ dân nằm xen kẹp sát cầu, đường lớn khiến nhà thầu không có điểm tiếp cận vào thi công hoặc việc triển khai các mũi thi công không được liên tục, phát sinh thời gian vận chuyển vật liệu do phải đi đường vòng.
“Đối với vật liệu cát đắp, đến ngày 27/7, UBND các tỉnh đã bố trí cung ứng cát cho dự án gần 1,5 triệu/18,5 triệu m3 (đạt 8%), không đáp ứng được yêu cầu tiến độ, ảnh hưởng đến tiến độ, sản lượng và giải ngân”, ông Lê Đức Tuân thông tin.
Đề cập đến giải pháp đẩy tiến độ dự án, lãnh đạo Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, hiện đơn vị đã lập tổ/nhóm chuyên công tác GPMB để phối hợp với chính quyền giải quyết từng điểm, từng hộ dân, phân từng nhóm hộ dân cần ưu tiên để chủ động xử lý, phối hợp tổ chức di dời hạ tầng kỹ thuật để có mặt bằng sớm nhất.
Với vai trò chủ đầu tư, đơn vị QLDA đang tích cực làm việc liên tục với UBND các tỉnh để hỗ trợ các thủ tục như mở mỏ vật liệu cát đắp nền hoặc tăng công suất mỏ đang khai thác trên địa bàn tỉnh để có thêm nguồn vật liệu đáp ứng yêu cầu.
Cùng đó, Ban QLDA, tư vấn giám sát và nhà thầu cũng đã thực hiện cam kết ưu tiên thi công đường công vụ, thông cầu tạm để đẩy mạnh thi công các cầu trên tuyến, luỹ tiến khối lượng thi công và sản lượng giải ngân.
Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Hậu Giang - Cà Mau có chiều dài tuyến chính hơn 73km, tuyến nối dài hơn 16,5km. Tổng mức đầu tư hơn 17.152 tỷ đồng.
Giai đoạn phân kỳ, tuyến cao tốc được đầu tư quy mô 4 làn xe, bề rộng nền 17m. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được đầu tư quy mô 4 làn xe bề rộng nền 24,75m, vận tốc thiết kế 100km/h.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận