Chi phí lên đến gần 100 triệu
Cách đây 2 tháng, mẹ chị Nguyễn Minh Thanh (trú quận Ba Đình, Hà Nội) bị đột quỵ não nhưng may mắn phát hiện sớm, cấp cứu kịp thời. Mẹ chị Thanh nằm trong số ít những bệnh nhân được điều trị khỏi đột quỵ, ít để lại biến chứng nhờ tiếp cận y tế trong khung giờ "vàng".
Gần đây, thấy nhiều người nhắc đến liệu pháp lọc máu công nghệ Nhật Bản có thể loại bỏ các độc tố trong máu, nhất là mỡ máu xấu, giúp phòng ngừa đột quỵ, chị Thanh đã tìm hiểu nhưng không rõ quảng cáo trên có đúng hay không.
Trong vai người có nhu cầu tìm hiểu về phương pháp này, PV đã liên hệ với đơn vị cung cấp dịch vụ. Một tư vấn viên tên H giới thiệu: "Lọc máu công nghệ cao Nhật Bản sử dụng hệ thống hiện đại thông qua 2 bộ lọc có thể giúp người bệnh loại bỏ mỡ máu xấu trực tiếp mà không cần dùng thuốc. Ngoài lọc thành phần mỡ máu xấu, còn lọc các thành phần gây viêm trong máu. Quá trình lọc từ 2 - 3 giờ, cơ chế lọc tuần hoàn toàn bộ lượng máu trong cơ thể, đưa tạp chất ra ngoài".
Cũng theo tư vấn, chi phí 120 triệu đồng/lần lọc máu, hiện đang có chương trình giảm giá nên chỉ còn 96 triệu đồng. Chương trình lọc máu này gần như không chống chỉ định cho bất cứ đối tượng nào nên không cần phải tầm soát hay xét nghiệm máu. Trước khi lọc máu chỉ cần qua thăm khám lâm sàng, bác sĩ tư vấn rồi tiến hành luôn. Lọc xong có thể về ngay, không cần nghỉ dưỡng.
Để tăng thêm phần tin tưởng, H nhấn mạnh: "Đây là phương pháp thường niên của người Nhật, giúp loại bỏ tạp chất, nâng cao sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật. Với người có bệnh lý về huyết áp cao, tim mạch, xơ vữa hay mỡ máu, càng được khuyến khích nên dùng.
Chương trình lọc máu này được chứng minh độ an toàn và hiệu quả tại Nhật Bản hơn 30 năm. Đồng thời được thẩm định hàng năm, được bác sĩ khoa lọc máu bên Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ chuyên môn".
Bên cạnh phương pháp lọc máu, tư vấn viên H còn giới thiệu thêm về thanh lọc tế bào máu để có nhiều năng lượng hơn, tăng tuần hoàn với chương trình lọc máu ozon công nghệ Đức. Thời gian thực hiện 45 phút, chi phí 5 triệu đồng/lần, thực hiện tối thiểu 3 lần/liệu trình".
"Sẽ lấy 250ml máu làm chất dẫn truyền. Số máu này đi qua máy để khử khuẩn, đẩy oxy và ozon tinh khiết vào máu. Chỉ bằng mắt thường sẽ thấy hiệu quả khi màu sắc máu đỏ tươi thay vì đỏ bầm như ban đầu. Sau đó, số máu này được truyền trực tiếp vào tĩnh mạch, giúp tăng cường cung cấp oxy, làm tươi mới lượng máu trong cơ thể… Nên duy trì thường xuyên, cách này còn giúp phòng ngừa các tế bào ung thư, phòng tắc động mạch", H nói.
Chưa được kiểm chứng
Trao đổi với Báo Giao thông, BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Nghiên cứu và Điều trị kỹ thuật cao, Viện Y sinh Nhiệt đới, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga cho biết: "Nhiều nơi đánh vào nỗi sợ bệnh tật, đặc biệt là đột quỵ của người dân để tung ra nhiều chiêu trò quảng cáo về các phương pháp phòng ngừa căn bệnh này. Tuy nhiên, người dân cần tỉnh táo, bởi các phương pháp này đều chưa được kiểm chứng khoa học".
Tại Việt Nam, theo quy định của Bộ Y tế, bệnh nhân được chỉ định lọc máu khi chỉ số mỡ máu cao trên 11mmol/l kèm theo viêm tụy. Do vậy, không phải cứ chỉ số cholesterol cao là lọc máu. Vì vậy, người dân không nên tin vào các quảng cáo, hay lạm dụng lọc mỡ máu sẽ rất nguy hiểm.
BS Nguyễn Huy Hoàng
Theo TS.BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP.HCM, mỡ máu cao có thể dẫn đến đột quỵ hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Nếu chỉ mỡ máu cao nhưng người bệnh được phát hiện, điều trị kiểm soát nguy cơ kèm theo sẽ ít khả năng dẫn đến đột quỵ. Hiện nay, không có chỉ định lọc mỡ máu để điều trị dự phòng đột quỵ.
BS Cường cũng chỉ ra nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình lọc máu, ví dụ người bệnh đang có dị tật, dị dạng mạch máu não, phình mạch máu não không được điều trị túi phình mà đi lọc máu, sẽ làm gia tăng xuất huyết não cho bệnh nhân, rất nguy hiểm. Hoặc người bệnh có tình trạng hẹp động mạch nội sọ, thiếu máu lên não, khi lọc máu sẽ làm chậm đi vòng tuần hoàn máu của bệnh nhân, gây thiếu máu não, dẫn tới nguy cơ cao xảy ra đột quỵ trong khi lọc máu.
Về vấn đề này, TS.BS Phạm Nguyên Quý (Khoa Nội khoa Ung thư, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren, Đại học Kyoto) cho hay: "Có thể có một hiểu lầm ở đây liên quan tới lọc máu trị rối loạn lipid máu ở những người bị dạng rất nặng của bệnh này (kháng với hầu hết các loại thuốc hạ lipid thông thường) kèm theo nguy cơ về tim mạch. Tuy nhiên, cần hiểu rằng tỉ lệ bị tình trạng này là rất thấp và hầu hết rối loạn lipid máu đều có thể được điều trị thành công bằng việc theo chế độ ăn lành mạnh, vận động hợp lý và dùng thuốc hạ lipid đều đặn".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận