Khi dẫn trẻ đến siêu thị, chúng muốn mua đồ chơi, nếu cha mẹ không đồng ý sẽ ăn vạ khóc lóc, lăn ra đất. Cha mẹ cảm thấy xấu hổ nên nhanh chóng mua.
Một đứa trẻ 10 tuổi muốn có điện thoại, nhưng người mẹ từ chối mua nên la hét: “Tại sao mẹ không mua điện thoại cho con, mẹ không xứng là mẹ của con”, thậm chí đánh mẹ trong nhiều trường hợp nghiêm trọng.
2 ví dụ trên cho thấy, trẻ không kìm chế được cảm xúc của mình, chỉ cần không được đáp ứng nhu cầu của mình, chúng sẽ la hét, chửi bớt, đánh đập người khác. Kiểu trẻ như thế này, ở trên trường rất dễ bị bạn bè ghét và xa lánh.
Giáo sư tâm lý học Edgar Pierce tại Đại học Harvard, Mỹ nói rằng: “Thành công của một người nằm ở 1% IQ và 99% EQ. EQ đóng vai trò quan trọng đối với thành công của cá nhân trong cuộc sống, công việc và hạnh phúc gia đình”.
Trẻ sẽ không tự động làm chủ được khả năng kiểm soát cảm xúc và cần cha mẹ giúp đỡ. Chuyên gia giáo dục Trung Quốc, bà Lý Mỹ Kim nói: “Sau 12 tuổi, những gì cha mẹ nói đều vô dụng. Trước 12 tuổi, trẻ vẫn có thể nghe lời, cha mẹ hãy tận dụng thời gian này để rèn luyện trẻ vào nề nếp, đặc biệt nên trước 6 tuổi”.
Cho trẻ nhận biết các cảm xúc khác nhau
Trẻ có khả năng nhận biết cảm xúc từ khi được 1 tuổi, điều này giúp chúng phân biệt được những cảm xúc khác nhau như hạnh phúc, buồn bã, tức giận, sợ hãi, căm thù, chán nản, xấu hổ, ghen tị, thất vọng, phẫn uất…
Trẻ không thể trải nghiệm được tất cả cảm xúc khi còn nhỏ, vì vậy cách tốt nhất là cha mẹ nên cho chúng xem sách dạng tranh ảnh. Những cuốn sách này sẽ giúp trẻ biết thể hiện cảm xúc khác nhau, từ đó có thể bộc lộ và điều chỉnh được hành vi của mình.
Để trẻ trút bỏ cảm xúc một cách hợp lý
Khi còn nhỏ, một số trẻ được dạy dỗ rất nghiêm khắc. Nếu khóc, chúng sẽ bị cha mẹ nói: “Đừng khóc, nín đi”. Những đứa trẻ luôn bị kìm nén cảm xúc trong lòng khi còn nhỏ, bề ngoài có vẻ hiền lành nhưng khi bùng phát sẽ rất đáng sợ. Vì vậy, cha mẹ khuyến khích trẻ bộc lộ cảm xúc của mình. Tuy nhiên, trẻ cần phải tuân thủ các nguyên tắc cha mẹ đặt ra trong từng trường hợp cụ thể.
Dạy trẻ bộc lộ cảm xúc
Bởi vì trẻ không đủ khả năng nhận thức, không đủ kinh nghiệm, cách thể hiện cảm xúc hạn chế nên thường sẽ khóc lóc, lăn lộn để biểu lộ cảm xúc khó chịu của bản thân. Đây là biểu hiện cơ bản nhất mà bất kỳ đứa trẻ nào sinh ra cũng đều bộc lộ.
Sau khi trẻ ổn định về mặt cảm xúc, hãy nói với chúng những điều không vui nên thể hiện bằng lời nói thay vì hành vi phá hoại. Chỉ bằng cách nói, người khác mới hiểu được nhu cầu của chúng.
Lúc đó, trẻ có thể hiểu và gật đầu đồng ý, nhưng sẽ quên khi gặp phải và không thể diễn đạt chính xác. Cha mẹ phải kiên nhẫn, dạy trẻ từ từ rồi chúng sẽ quen dần. Để giáo dục trẻ cần một quá trình lâu dài, không có kết quả nhanh chóng hay dễ dàng, vì vậy cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý.
Dạy trẻ cách thoát ra khỏi cảm xúc
Khi trẻ gặp vấn đề về tình cảm, khó thoát ra khỏi cảm xúc. Ngay cả người lớn đôi lúc cũng rất khó khăn để tự mình giải quyết, nên cha mẹ cần phải giúp đỡ con mình. Cha mẹ có thể giúp trẻ chuyển hướng sự chú ý sang những điều khiến trẻ vui, chẳng hạn như đồ chơi hay bất kỳ thứ gì khiến trẻ vui. Cảm xúc của trẻ thường đến và đi rất nhanh, chỉ cần chúng chơi đùa vui vẻ, những điều khó chịu sẽ bị xóa sạch.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận