Xã hội

Trẻ em cần tình yêu thương hơn dư dả vật chất

15/12/2016, 09:15

Hiện, bạo lực và xâm hại trẻ em có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào.

Trẻ em đường phố là nhóm bị tổn thương nhiều nhất,

Trẻ em đường phố là nhóm bị tổn thương nhiều nhất, nguy cơ bị lạm dụng cao nhất. Ảnh: K.T

“Những trường hợp trẻ lựa chọn biện pháp tiêu cực như tìm đến cái chết mà tôi đã từng gặp, ngoài bạo lực về thể chất, hầu hết các em phải chịu bạo lực tinh thần từ những người gần gũi với mình nhất như cha mẹ hay thày cô giáo...”.

Đó là chia sẻ của bà Hoàng Thị Tây Ninh, quản lý Chương trình Quản trị quyền trẻ em của Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) với PV Báo Giao thông, bên lề sự kiện “Cùng loại bỏ bạo lực với trẻ em”, diễn ra sáng 14/12.

Hiện, tình trạng bạo lực trẻ em không còn là vấn đề mới, cho dù gây nhiều bức xúc xã hội, bà đánh giá thế nào về vấn đề này?

Bà Hoàng Thị Tây Ninh: Theo tôi, vấn đề này phải được đánh giá là rất nghiêm trọng. Hiện, bạo lực và xâm hại trẻ em có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào mà trẻ em là đối tượng không thể tự bảo vệ mình trước nguy cơ diễn ra xung quanh. Ngay như ở môi trường gia đình hay trường học vốn được cho là an toàn thì gần đây cũng chưa được đảm bảo. Cho dù, chúng tôi cũng thấy nhận thức của mọi người, xã hội nói chung về bạo lực trẻ em hiện nay đã rõ nét, tuy nhiên những hoạt động can thiệp trực tiếp nhằm bảo vệ các em trước nguy cơ bạo lực trong môi trường gia đình, nhà trường và cộng đồng còn nhiều hạn chế.

Bà có thể lý giải về nguy cơ bạo lực với trẻ ngay trong gia đình và nhà trường, vốn là nơi được cho là an toàn nhất?

Bà Hoàng Thị Tây Ninh: Thường chúng ta vẫn nghĩ bạo lực thể chất, nhưng bạo lực về tinh thần còn ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến sự phát triển của trẻ. Những trường hợp trẻ lựa chọn biện pháp tiêu cực như tìm đến cái chết mà tôi đã từng gặp, ngoài bạo lực thể chất, hầu hết các em phải chịu bạo lực tinh thần từ những người gần gũi với mình nhất như cha mẹ, thày cô và bạn bè.

11234

Bà Hoàng Thị Tây Ninh, quản lý Chương trình Quản trị quyền trẻ em (Tổ chức Cứu trợ trẻ em).

Đôi khi bạo lực tinh thần xảy ra rất thường xuyên trong đời sống mà nhiều người vẫn bỏ qua. Đó có thể là những lời gièm pha, dè bỉu, coi thường… so sánh trẻ với những trẻ khác, bảo trẻ ngu ngốc khi bị điểm kém, hay câu nói “trẻ không đáng có mặt trên cõi đời này” mỗi khi trẻ gây lỗi… Chính những điều này lại gây tổn thương, ảnh hưởng vô cùng lớn đến quá trình hình thành nhân cách và lối sống của trẻ. Những lời nói vô tâm ấy không những không giúp trẻ tốt lên mà khiến trẻ thêm tự ti, tự thất vọng về bản thân, dẫn đến suy nghĩ tiêu cực.

Có thể thấy, thực trạng gia đình hiện nay có điều kiện vật chất tốt hơn nhưng sự quan tâm bị giảm sút rất nhiều. Các bậc phụ huynh cần hiểu, trẻ chỉ thực sự phát triển toàn diện trong môi trường của tình yêu thương chứ không phải sự dư dả vật chất.

Đối tượng trẻ đường phố có nguy cơ cao bị bạo lực và xâm hại tình dục, bà đánh giá thế nào vấn đề này?

Bà Hoàng Thị Tây Ninh: Trong tất cả các nhóm trẻ em dễ bị tổn thương thì nhóm trẻ đường phố là nhóm yếu thế nhất, bị tổn thương nhiều nhất vì sống trong môi trường mất an toàn và nhiều cạm bẫy. Nhất là khi các em còn quá nhỏ, chưa có bản lĩnh và rất dễ bị lôi kéo, dễ dàng bị lạm dụng và dễ sa đà vào các chất gây nghiện và mại dâm.

Vấn đề bảo vệ an toàn cho các em đòi hỏi sự quan tâm của xã hội, chính quyền và đặc biệt là các tổ chức dân sự vì trẻ đường phố không tham gia các hoạt động trong nhà trường nên việc hỗ trợ các em cũng rất khó. Do đó, sự hỗ trợ của các tổ chức dân sự, chính quyền rất quan trọng, giúp trang bị thêm kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng bảo vệ cho các em trước nguy cơ xâm hại có thể xảy ra trong cuộc sống. Tổ chức Cứu trợ trẻ em cũng đã từng có nhiều chương trình can thiệp đối với nhóm trẻ đường phố này.

Đâu là lời giải cho các vấn đề trên, thưa bà?

Bà Hoàng Thị Tây Ninh: Đây là một bài toán không dễ để tìm lời giải đáp. Nó đòi hỏi sự vào cuộc của toàn xã hội, từ cấp chính quyền đến gia đình, các tổ chức dân sự… nhằm tăng cường hơn nữa những thể chế pháp lý để giải quyết tận gốc bạo lực trẻ em. Còn về phía gia đình và nhà trường là nơi tiếp cận gần nhất với trẻ hàng ngày cần những hành động mạnh mẽ hơn nữa. Cha mẹ cần quan tâm hơn đến con, phải biết hàng ngày con đi học, các mối quan hệ ra sao, môi trường học tập vui chơi có an toàn hay không…

Chắc chắn một điều, khi trẻ em còn phải chứng kiến, thực hiện hay gánh chịu hành vi bạo lực thì sau này các em luôn có xu hướng sử dụng bạo lực trong việc giải quyết vấn đề, mâu thuẫn trong cuộc sống. Bạo lực còn hiện diện trong cuộc sống thì sẽ còn sự ảnh hưởng lâu dài tới sự phát triển cả về thể xác và tinh thần của trẻ sau này.

Cảm ơn bà!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.