Xã hội

Trẻ em rước họa vì người lớn tự ý cho uống thuốc

15/04/2015, 18:45

Trong tổng số trẻ đến khám, điều trị, qua khai thác bệnh sử có tới 70% đã tự ý dùng thuốc trước khi khám.

51
Việc bán thuốc không theo đơn khá phổ biến tại Việt Nam

Phụ huynh tự kê đơn

Sáng 14/4, chị Mai (ở Thanh Oai, Hà Nội) bế con ra khỏi phòng khám Nhi (Bệnh viện Nhi T.Ư) với vẻ buồn rầu cho biết, bác sỹ chẩn đoán bé bị viêm phổi, phải nhập viện. “Ba hôm trước, bé sốt cao, húng hắng ho, tôi cứ nghĩ con bị viêm họng nên chạy ra hiệu thuốc đầu ngõ mua kháng sinh Cefixim cho con uống. Thấy con vẫn không dứt sốt, ho nhiều hơn, tôi lại chuyển cho con uống Haginat. Đến viện, bác sỹ nói cháu bị viêm phổi nặng, mà tùy tiện cho uống kháng sinh thế này rất nguy hiểm”, chị Mai kể.

Trước đó, một bà mẹ ở Hải Dương đã chia sẻ câu chuyện tự ý dùng miếng dán chống say tàu xe cho con, khiến cô con gái 6 tuổi của chị bị tác dụng phụ: Miệng nói nhảm, không nhận rõ vật, đi lại loạng quạng, tự cào cấu mặt mũi, la hét... Đưa con đi khám, bác sỹ nói, tác dụng của thuốc làm cháu bị ảo giác và rối loạn tâm thần, nguyên nhân là do chị sử dụng miếng dán cấm dùng cho trẻ dưới 8 tuổi.

"Rất nhiều người bệnh chủ quan, không lường được hậu quả khi tự ý mua thuốc về sử dụng, đặc biệt là với các loại thuốc kháng sinh. Cái hại trước mắt có thể là ngộ độc thuốc nhưng cái hại lâu dài đối với người bệnh là dễ dẫn tới tình trạng kháng kháng sinh”.

PGS, TS. Nguyễn Tiến Dũng
Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai

Chị Bình, dược sĩ tại nhà thuốc Thuốc Việt (khu tập thể Ngọc Khánh) cho hay, phần lớn thuốc ở đây bán ra không có đơn thuốc bác sỹ. “Ai hỏi mua thuốc gì thì mình bán thuốc nấy, thế thôi”, chị Bình cho biết.

Cho rằng đi viện tốn kém chi phí, thời gian, nhiều bà mẹ đang tự cho phép mình trở thành “bác sỹ kê đơn thuốc” mỗi lần con ốm, và chỉ đến khi con trở bệnh nặng, các bà mẹ mới hối hả đưa con đi viện. PGS, TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) bức xúc cho cho biết, việc “vô tội vạ” bán và mua thuốc không theo đơn bác sỹ như hiện nay đã và đang dẫn đến nhiều hệ lụy cho người bệnh và cho xã hội.

“Nhiều bệnh nhân nhi tới khám với biểu hiện ho, sốt, khi hỏi thì bố mẹ cho biết đã dùng kháng sinh nhưng không đỡ mới đến viện. Trong khi đó, các cháu chỉ sốt vi rút thông thường, không cần dùng kháng sinh, chỉ cần hạ sốt, ăn uống tốt để tăng cường sức khỏe. Việc tự ý sử dụng thuốc kháng sinh khiến việc điều trị rất khó khăn, làm tăng chi phí và thời gian điều trị. Nhất là bệnh viêm phổi ở trẻ, với trẻ đã sử dụng thuốc kháng sinh thì tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều lần so với trẻ chưa dùng thuốc kháng sinh”, bác sỹ Dũng khuyến cáo.

Siết chặt từ cơ sở bán thuốc

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Dương Xuân An, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế cho biết, mặc dù theo quy định, các cửa hàng thuốc chỉ bán thuốc trong danh mục kê đơn của Bộ Y tế khi có đơn của bác sĩ. Nhưng vì lợi nhuận, trên thực tế, hầu như các cửa hàng thuốc tư nhân đều “bất tuân” quy định này và ngành Y tế vẫn chưa kiểm soát hết.

“Hiện nay số lượng các cơ sở bán thuốc rất lớn, với trên 35 nghìn, trong khi lực lượng thanh tra y tế các cấp rất mỏng, do vậy việc thanh, kiểm tra vẫn chưa sát sao. Bên cạnh đó, do Bộ Y tế mới có sự điều chỉnh về danh mục thuốc không đơn, vì vậy có thể người hành nghề bán thuốc chưa cập nhật đầy đủ...”, ông An nói.

Theo ông An, trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ siết chặt hơn việc mua, bán thuốc không theo đơn tại các cơ sở bán thuốc, nhất là cơ sở tư nhân. Các cơ quan quản lý Nhà nước về ý tế sẽ tăng cường phối hợp với các ngành chức năng như Quản lý thị trường, UBND các cấp để chủ động tuyên truyền, thanh kiểm tra và nghiêm khắc xử lý các sai phạm.

PGS, TS. Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh, trước mắt chính mỗi người dân, người bệnh cần ý thức tự bảo vệ mình, không nên tự ý sử dụng thuốc không theo đơn thuốc của bác sỹ. “Thuốc để phục vụ điều trị và là một loại hàng hóa đặc biệt. Người bệnh cần sử dụng đúng thuốc, đủ liều... mới đem lại hiệu quả”, bác sỹ Dũng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.