Văn hóa - Giải Trí

Trẻ hóa kịch Lưu Quang Vũ trong lần dựng lại

15/01/2018, 07:45

Nhà hát Tuổi trẻ vừa chính thức ra mắt vở diễn "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" của tác giả Lưu Quang Vũ.

29

Một cảnh trong vở “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” - Ảnh: NHTT 

Tác phẩm đã được viết cách đây hơn 30 năm nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự và hiện đại. Vở diễn sẽ chính thức được công diễn vào ngày 4/3 tới.

Biến đổi để phù hợp với đời sống hiện đại

Hoa cúc xanh trên đầm lầy là kịch bản sân khấu hiếm hoi hàm chứa yếu tố giả tưởng của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Vở kịch xoay quanh cuộc tình tay ba giữa Hoàng - Liên - Vân, những người bạn trẻ đã một thời đầy ắp những kỉ niệm với bông cúc xanh trên đầm lầy giữa miền quê yên ả. Khi trưởng thành, ngày Hoàng ngỏ lời yêu Liên cũng là lúc cô thông báo ngày cưới của mình với Vân. Quá đau khổ, Hoàng đã quyết định chế tạo ra hai người máy dựa trên phiên bản của Vân và Liên. Hai người máy ấy được chế tạo bằng những gì tinh túy, đẹp đẽ nhất trong mỗi con người.

"Đây là vở diễn có nhiều yếu tố mới cho công chúng ngày hôm nay, một sân khấu đầy sức trẻ. Những vấn đề nghiêm chỉnh được trình bày một cách vui vẻ. Tác phẩm đã đưa được những chất liệu đã từng có cho đối tượng người xem của ngày hôm nay. Tính chính thống của tác giả đặt ra thì không ai được phép thay đổi, chỉ là cách xử lý như thế nào”.

NSƯT Lê Chức
Phó chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam

Không gian sân khấu được thiết kế với đạo cụ được sử dụng linh hoạt. Khi biến thành nhà máy chế tạo robot, khi là nhà ga, lúc lại trở thành công trình đường bộ đông đúc, hay nội thất nhà cửa. Xuyên suốt vở diễn, khán giả liên tục được dẫn dắt qua những miền xúc cảm. Hài hước có, lắng đọng có, suy tư có… Có thể nói, tác phẩm được viết vào thời bao cấp nhưng vở diễn lại như đưa người xem đắm chìm trong cuộc sống nhộp nhịp, hỗn mang của ngày hôm nay, với những phần mềm máy móc, trí tuệ nhân tạo…

Theo đạo diễn Sĩ Tiến, anh đã mời nhà báo Mỹ Linh - người có mối quan hệ thân thiết với gia đình nhà viết kịch Lưu Quang Vũ biên tập cho vở kịch. Từng câu, từng chữ đều được chau chuốt kỹ càng, tránh những ngôn ngữ của thời bao cấp và để làm sao gần gũi với hơi thở thời đại mới nhất. Nam đạo diễn cho hay, việc sửa lại kịch bản rất khó. Bản thân anh không muốn kể lại câu chuyện của thời bao cấp khi bây giờ công nghệ hiện đại, có phần mềm, trí tuệ nhân tạo. Làm sao để đưa ra một hình tượng người máy ăn nhập với xu thế thời hiện đại? Làm sao để khán giả vẫn thấy đó là kịch của Lưu Quang Vũ chứ không phải của một tác giả khác là những thách thức với đạo diễn Sĩ Tiến.

Nhưng dù có những điểm mới trong dàn dựng như thế nào, tác phẩm vẫn mang thông điệp sâu sắc và đầy tính nhân văn “Hạnh phúc mới thực là điều người ta mong mỏi nhất”. “Mọi người sẽ hiểu ra rằng, sau tất cả mọi chuyện, người ta tự biết làm thế nào để tốt đẹp lên. Những thách đấu, những sự giáo dục dù như thế nào cũng chưa chắc đã mang tới giá trị nếu con người không tự thay đổi”, đạo diễn Sĩ Tiến nhấn mạnh.

“Luồng gió mới” với sức trẻ

Hoa cúc xanh trên đầm lầy từng được đạo diễn Nguyễn Đình Nghi dựng lần đầu cho đoàn kịch Hải Phòng vào những năm 1980. Năm 1998, đạo diễn Đỗ Kỷ tiếp tục dựng lại tại Nhà hát kịch Việt Nam. Bản dựng của Nhà hát Tuổi Trẻ là bản dựng thứ 3, cũng là bản dựng mang màu sắc mới mẻ khi toàn bộ dàn diễn viên đều là người trẻ. Ngay đạo diễn Sĩ Tiến, đây cũng là lần đầu tiên anh được dựng một vở kịch của tác giả Lưu Quang Vũ và đứng tên độc lập.

Đạo diễn Sĩ Tiến thừa nhận, áp lực lớn nhất của anh khi dựng vở này chính là ranh giới giữa hư và thực trong kịch bản. Hư và thực luôn tồn tại song song. Cũng vì để vở diễn bớt hư và bớt thực, phản ánh đúng cuộc sống hôm nay, anh đã để diễn viên thể hiện trực tiếp qua diễn xuất. Dù là người máy hay phiên bản đời thực, diễn viên đều diễn trực tiếp tại sân khấu chứ không thay đổi nhiều qua phục trang. Thông qua khả năng diễn xuất của diễn viên để khán giả tự phân biệt đâu là thực, đâu là hư. Những điều ấy để toát lên hàm ý rằng, thực ra vẫn là con người đó. Chỉ là khi tốt thì là con người của mơ ước, còn bình thường là một người phải vật lộn với xã hội, với cơm áo gạo tiền.

Để làm được điều ấy, trong suốt hơn 2 tháng dựng vở, đạo diễn Sĩ Tiến đã dành hơn 1 tháng chỉ để làm việc với 3 diễn viên chính. Mọi người cùng trao đổi quan điểm diễn xuất, tìm ra cách thức biểu diễn, cách thoại, di chuyển… để truyền tải được rõ nhất ý tưởng của tác giả muốn gửi gắm.

Diễn viên Thu Quỳnh thừa nhận, việc nghiên cứu cách diễn, tập luyện cho vai nữ chính khiến cô bị stress. Đây là lần đầu tiên cô tiếp xúc với kịch giả tưởng, lại phải xử lý hai đường dây vai diễn song song. “Diễn viên buộc phải phải tìm cho mình cách thể hiện để khi xuất hiện trên sân khấu là một người nhưng thực chất lại là hai. Phải làm sao để khán giả không bị nhầm lẫn giữa hai nhân vật với nhau. Chúng tôi đành phải đẩy tâm lý đời thực quá lên một chút”, Thu Quỳnh bộc bạch.

Cũng như Thu Quỳnh, việc vào hai phiên bản robot và đời thực cũng khiến diễn viên Thanh Sơn “mất ăn, mất ngủ” suốt nhiều ngày liền. Thanh Sơn tiết lộ, khi được nhận kịch bản, anh đã mong muốn vào vai kỹ sư Hoàng để có một màu sắc khác cho những vai diễn của mình. Khi được giao vai Vân, áp lực càng tăng lên gấp bội vì Thanh Sơn từng diễn 3 vở kịch của tác giả Lưu Quang Vũ trước đó. Việc làm sao để không bị lu mờ so với những vai trước đây là một thách thức không nhỏ với chàng diễn viên trẻ.

“Nhân vật Vân có nhiều đất diễn vì có hai bản thể. Đó là lợi thế, cũng là áp lực với tôi. Các vai diễn khác đều có 2 kíp, nhưng vai Vân lại chỉ có 1 kíp nên tôi khá mệt. Tôi dành rất nhiều thời gian cho vai diễn này, thậm chí có những ngày tập cả 3 buổi. Một điều thú vị là khi làm kịch Lưu Quang Vũ, chỉ thay đổi một câu thoại hay cách ngắt nhịp là sẽ tìm ra được ý mới trong câu nói ấy. Trong hơn 2 tháng dàn dựng, chúng tôi phải diễn thử khoảng 10 cách diễn khác nhau mới tìm ra được cách diễn ưng ý nhất”, Thanh Sơn chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.