Phụ huynh lo lắng chờ tới lượt khám cho con (ảnh minh họa) |
Dị tật bộ phận sinh dục (BPSD) không chỉ khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, mất đi cơ hội duy trì nòi giống, mà còn khiến trẻ khó hòa nhập cộng đồng. Căn bệnh “khó nói” này có chi phí điều trị cực lớn do phải trải qua rất nhiều lần phẫu thuật nhưng đã có tín hiệu vui với sự chung tay thiện nguyện.
Nỗi đau khó nói
Dù đã 8 tuổi, nhưng bé Sơn (trú tại Quý Lộc, Yên Định, Thanh Hóa) vẫn chưa được đến trường. Anh Nguyễn Văn Du (bố bé Sơn) chia sẻ: “Chào đời, con không có BPSD, không hậu môn, bàng quang lộ ngoài, tiểu tiện và đại tiện ở chung một đường, thoát ra ở cùng một lỗ nhỏ trên thành bụng, vợ chồng mình sốc nặng. Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng II (TP HCM) đã lắc đầu ngay khi tiếp nhận con. Lúc đó, việc phẫu thuật nhằm tách hai đường tiểu tiện và đại tiện cũng chỉ có 5% hy vọng thành công”.
Năm 2007, Sơn phẫu thuật lần đầu tại TP HCM, để tách rời đường tiểu và đại tiện bằng cách tạo một hậu môn giả trên thành bụng bên hông trái và đưa bàng quang vào trong ổ bụng, nhưng kết quả không như mong đợi. Hai năm sau, Sơn lại tiếp tục phẫu thuật để đưa hậu môn về đúng vị trí tự nhiên, nhưng sau ca phẫu thuật, cậu bé vẫn tiểu tiện và đại tiện không tự chủ. Hơn nữa, cậu bé còn bị dị tật bẩm sinh ở khung xương nên bàng quang lại lọt ra ngoài.
"Dù đây là chương trình từ thiện miễn phí, tuy nhiên, chi phí trung bình cho một trẻ phẫu thuật BPSD rất lớn, chừng 2,5 nghìn đô la, vì vậy chương trình đang nỗ lực tìm kiếm sự giúp đỡ từ cộng đồng trong và ngoài nước”. Chị Hoàng Na Hương |
“Cả ngày chăm con rỉ rả tiểu, đại tiện, chưa kể, tháng nào con cũng sốt do viêm nhiễm phải nhập viện nên con không thể đến trường, vợ đành chấp nhận nghỉ việc, còn mình tranh thủ đi phụ hồ để trang trải cuộc sống”, anh Du cho biết.
Theo TS. Trần Bảo Khánh, giảng viên bộ môn Phẫu thuật tạo hình, Đại học Y Hà Nội, phần lớn trẻ bị bệnh lý BPSD do bẩm sinh, chỉ một phần nhỏ do bỏng, hoặc chấn thương. Khi bé bị dị tật BPSD, không chỉ khó khăn trong sinh hoạt, mà còn bị mặc cảm về tâm lý. Trong tương lai, các cháu phải chịu ảnh hưởng rất lớn của dị tật, nếu không được phẫu thuật.
“Số trẻ bị khiếm khuyết BPSD ở Việt Nam cao so với nhiều nước, do chưa được sàng lọc tốt trước khi sinh. Hiện Việt Nam mới chỉ có thể tái tạo BPSD nữ, nhưng chưa làm được với nam. Với người Việt Nam, khiếm khuyết BPSD vẫn là một điều tế nhị, nên hầu hết những gia đình có con bị dị tật thường không muốn chia sẻ thông tin, phần vì lo ngại dư luận xã hội, phần vì tuyệt vọng không tìm ra lối thoát”, TS. Khánh cho hay.
Niềm tin trở lại
Bốn năm trước, bé Thiện Nhân (cháu bé bị mẹ bỏ ngoài vườn ngay sau khi sinh, bị động vật và kiến cắn hết BPSD) đã được GS. BS. Roberto De Castro (Italia) tái tạo BPSD thành công đã thắp lên hy vọng cho nhiều gia đình có con bị dị tật BPSD. Cũng từ đây, chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” với mong muốn được giúp những em bé bị dị tật BPSD ra đời. Từ đó, đều đặn hàng năm, đoàn chuyên gia quốc tế, dẫn đầu là GS. BS. Robeto De Castro lại sang Việt Nam phối hợp với các bệnh viện như: Nhi T.Ư, Nhi Đồng, Sản - Nhi Đà Nẵng, ĐH Y Hà Nội hay Vinmec để thực hiện khám, phẫu thuật cho trẻ khiếm khuyết BPSD.
Sau ca khám chiều 12/5, chị Nguyễn Ngọc Anh (ở Đông Triều, Quảng Ninh) thở phào khi được các bác sĩ trong chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” cho hay, tạo hình BPSD của con chị - bé Hải Châu (4 tuổi) có tiến triển tốt và sẽ còn cần thêm hai lần phẫu thuật nữa để chỉnh đường niệu. Chị Ngọc Anh cho hay: “Trong thai kỳ, đi siêu âm, bác sĩ chẩn đoán chị mang thai nhi nữ. Nào ngờ sinh ra cu cậu, nhưng lúc con chào đời cũng là lúc mình chết ngất trên bàn đẻ khi biết con không có BPSD ngoài và không hậu môn”. Trước đó, bé Hải Châu cũng đã trải qua ba lần phẫu thuật tái tạo hậu môn với kết quả tốt.
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, chị Hoàng Na Hương, Giám đốc chương trình cho biết: “Hầu hết những gia đình mang trẻ đến đều gặp khó khăn về kinh tế. Họ không đủ chi phí để trang trải cho một ca phẫu thuật tốn kém. Chương trình mong muốn hỗ trợ để các em được phẫu thuật, có thể sống cuộc sống bình thường. Đến thời điểm này, chương trình đã tiến hành phẫu thuật tái tạo BPSD cho hơn 120 trẻ khiếm khuyết và tư vấn, khám bệnh cho gần 500 trẻ”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận