Y tế

Trẻ mắc cúm, coi chừng biến chứng viêm não!

19/02/2019, 07:58

Hiện cúm mùa đang bùng phát, tuy là bệnh lành tính nhưng nếu không theo dõi sát sao dễ biến chứng đáng tiếc viêm phổi, viêm não đối với trẻ nhỏ.

img
Nhiều trẻ nhập viện vì biến chứng của cúm mùa

Tăng viêm não do cúm

Trao đổi với PV Báo Giao thông, BS. Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, BV Nhi TƯ cho biết, hiện tại khoa đang điều trị cho hơn 30 trẻ mắc cúm, trong đó có nhiều trẻ phải điều trị biến chứng từ cúm. Đáng lưu ý, biến chứng năm nay xuất hiện nhiều hơn là viêm não sau cúm. Từ đầu năm 2019 đến nay, đã ghi nhận có 3 ca biến chứng viêm não sau mắc cúm, tăng hơn so với mọi năm. Thông thường, những năm trước cả năm chỉ có 1-2 ca viêm não do cúm gây nên.

BS. Hải lưu ý, sau khi xuất hiện các biểu hiện cúm 2- 3 ngày, nếu thấy trẻ có những dấu hiệu chậm chạp, ngủ nhiều, có trẻ buồn nôn, nôn khan, co giật, có trẻ lại có một số biểu hiện của tình trạng nhiễm trùng thần kinh trung ương như li bì, hôn mê, co giật..., cần cho trẻ nhanh chóng nhập viện, vì đây là dấu hiệu của viêm não.

Theo chia sẻ của BS. Hải, trước đó, tại khoa đã tiếp nhận 3 ca biến chứng viêm não. Đó là bệnh nhi 5 tuổi nhập viện với triệu chứng trạng sốt cao, nôn khan và đau đầu. Bệnh nhi 2 tuổi sau 3 ngày sốt cao, đến ngày thứ 4 đỡ sốt nhưng lại li bì, chậm chạm, ngủ cả ngày không tỉnh. Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán các cháu đều bị viêm não do biến chứng sau cúm. May mắn, sau điều trị tích cực, các bệnh nhi đã hồi phục sức khỏe.

Chăm sóc cho trẻ nhiễm cúm mùa ra sao?

img
Bệnh nhi 7 tháng tuổi mắc cúm, sốt trên 39 độ, uống hạ sốt không đỡ, xuất hiện cơn co giật, buộc phải nhập viện

Trung bình mỗi ngày Khoa Truyền nhiễm, BV Nhi TƯ tiếp nhận 3 - 15 trẻ nhiễm cúm vào điều trị. Theo BS. Hải, cúm là bệnh viêm đường hô hấp do virus cúm gây lên, bệnh lây lan rất mạnh qua đường hô hấp. Triệu trứng là các bé sốt rất cao (39-40 độ), nếu xử lý thuốc hạ sốt không tốt sẽ gây tình trạng co giật, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Ngoài sốt, trẻ có thể ho nhiều, chảy nước mắt, nước mũi, đau họng, buồn nôn, khám họng có viêm đỏ, có thể viêm phế quản. Biến chứng hay gặp nhất của cúm là sốt quá cao gây co giật (trên 39,5 độ), viêm phổi có thể do virus cúm hoặc viêm phổi do bội nhiễm các vi khuẩn khác có trong hầu họng của bệnh nhân.

Theo lưu ý của BS. Hải, việc dùng thuốc tamiflu chỉ có tác dụng nếu chẩn đoán phát hiện cúm sớm trong vòng 48h đầu, có triệu chứng sốt. Còn sau 48h chủ yếu chỉ điều trị hạ sốt và chăm sóc cho bé để phòng biến chứng. Phụ huynh lưu ý chăm sóc trẻ nhiễm cúm bằng thuốc hạ sốt paracetamol 6h/lần để giảm nguy cơ co giật. Cho trẻ sử dụng thuốc giảm ho để tránh biến chứng viêm phổi, trẻ lớn dùng nước muối loãng để rửa mũi, xúc họng. Cha mẹ cần chú ý chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ để giúp nhanh phục hồi cơ thể. Điều này rất quan trọng đối với trẻ mắc các bệnh nhiễm trùng

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.