Y tế

Trẻ suýt mất mạng vì ngại đến viện chữa bệnh thời Covid-19

12/10/2021, 06:18

Không ít cha mẹ lo ngại dịch bệnh nên chậm đưa trẻ đến viện thăm khám khi con có dấu hiệu bất thường khiến nhiều trẻ bệnh trở nặng...

Trẻ rơi vào nguy kịch vì cha mẹ ngại dịch Covid-19

Tại khoa Nội tim mạch - Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi T.Ư, bé gái K.N. (10 tháng tuổi, Vĩnh Phúc) đang được điều trị tích cực với chẩn đoán suy hô hấp, viêm phổi, tim bẩm sinh.

4 ngày trước khi nhập viện, bé N. xuất hiện tình trạng ho, sốt, khò khè. Tuy nhiên, lo sợ dịch bệnh Covid-19 và nghĩ con ốm, mệt thông thường, cha mẹ của bé tự mua thuốc điều trị tại nhà.

Chỉ đến khi thấy con sốt cao kèm khó thở, tím tái, gia đình vội vàng đưa trẻ đi cấp cứu tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh. Do tình trạng chuyển biến nặng, ngày 28/9, bé N. được chuyển đến Khoa Hồi sức Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi T.Ư để tiếp tục theo dõi, điều trị.

img

Một trường hợp bệnh nhi chậm đến viện do lo ngại Covid-19 đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi T.Ư

TS.BS. Lê Hồng Quang, Trưởng khoa Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, trẻ nhập viện trong tình trạng viêm phổi nặng do virus RSV, suy hô hấp, suy tim, tăng áp phổi nặng, ống động mạch lớn...

Sau khi nhập viện, bé N. được hỗ trợ thở máy và điều trị viêm phổi do virus RSV. Hiện, trẻ vẫn phải thở máy, tiên lượng nặng, nguy cơ tử vong cao do trẻ nhập viện muộn, quá “thời điểm vàng” để phẫu thuật.

“Nếu bệnh nhi được gia đình đưa đi khám sớm sẽ phát hiện ra bệnh tim bẩm sinh thì bệnh nhi sẽ được điều trị can thiệp, phẫu thuật sớm, đúng thời điểm. Khi đó, bệnh tim bẩm sinh sẽ khỏi hoàn toàn, mang lại chất lượng cuộc sống tốt cho trẻ”, BS. Quang nói.

Còn tại Bệnh viện Thanh Nhàn, BS. Nghiêm Thị Mai Sang, Phó trưởng Khoa Nhi chia sẻ, bệnh viện cũng vừa tiếp nhận bệnh nhi 6 tuổi, mắc sốt xuất huyết được cha mẹ đưa đến cấp cứu trong tình trạng đã sốt cao liên tục 3 - 4 ngày, ăn kém.

Nguyên nhân do cha mẹ lo ngại lây Covid-19 nên tự điều trị ở nhà, chỉ khi trẻ yếu mới đưa đến bệnh viện.

“Lúc nhập viện, trẻ rơi vào giai đoạn thiếu dịch, tiền sốc do sốt xuất huyết nên nhanh chóng được chỉ định bổ sung dịch, tăng dinh dưỡng, truyền tiểu cầu vì số lượng tiểu cầu hạ rất thấp, chỉ còn có 8.000 tế bào/micro lít máu. Với những trường hợp trẻ mắc sốt xuất huyết rơi vào trạng thái sốc, nguy cơ tử vong rất cao nếu không được can thiệp kịp thời”, BS. Sang cho biết.

Đưa trẻ đến viện mùa dịch Covid-19 có đáng lo?

Theo BS. Lê Hồng Quang, trong đợt dịch này, số trẻ bị ốm không đi khám kịp thời mà chỉ đến khi bệnh nặng, cần can thiệp hỗ trợ về hô hấp, hỗ trợ về tuần hoàn mới đến bệnh viện có xu hướng gia tăng.

Cha mẹ cần chủ động theo dõi và nhận biết những dấu hiệu bất thường ở trẻ để đưa trẻ đi khám kịp thời tại cơ sở y tế gần nhất. Đừng vì lo lắng dịch bệnh mà bỏ qua “thời điểm vàng” để chẩn đoán và điều trị bệnh cho trẻ. Đặc biệt với những trẻ có dị tật bẩm sinh hoặc mắc các bệnh mạn tính, cần phải tái khám định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ tránh để lại biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
TS.BS. Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi T.Ư


Nhiều gia đình chủ quan, không cho con đến bệnh viện khám khi con bị ốm mà để con ở nhà và tự chữa theo đơn thuốc cũ, hay kinh nghiệm từ bạn bè, mạng xã hội…

Chỉ đến khi con bị nặng mới đến khám và được chẩn đoán là mắc tim bẩm sinh nặng.

BS. Quang cho biết thêm, có nhiều bệnh nhi được chẩn đoán tim bẩm sinh phức tạp phải trải qua 2 - 3 lần phẫu thuật, nhưng sau khi được các bác sĩ phẫu thuật tim bẩm sinh lần thứ nhất thành công thì không đến khám để phẫu thuật lần 2, lần 3 theo đúng lịch hẹn hoặc không tái khám để uống thuốc điều trị trong giai đoạn phẫu thuật lần tiếp theo.

Cũng có những trường hợp trẻ sau khi được phẫu thuật triệt để, đã sửa được hết dị tật ở tim nhưng sau phẫu thuật, gia đình không đưa trẻ đến khám theo hẹn để được kê thuốc và điều chỉnh thuốc phù hợp theo từng giai đoạn.

“Với những trẻ này, khi đã quá thời điểm tốt nhất để can thiệp hay phẫu thuật, việc điều trị sẽ trở nên rất khó khăn, nguy cơ tử vong cũng cao hơn. Nếu có thể tiếp tục điều trị thì chi phí điều trị sẽ tăng cao và tiên lượng kém hơn, chất lượng cuộc sống của trẻ giảm, nguy cơ cao để lại di chứng nặng nề”, ông Quang nói.

TS.BS. Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, một trong những nguyên nhân khiến trẻ chậm trễ tiếp cận y tế là do tâm lý e ngại dịch bệnh Covid-19, cộng thêm việc đi lại trong mùa dịch vô cùng khó khăn.

Ngoài ra, do thiếu hiểu biết về tác hại của việc không tuân thủ theo điều trị của gia đình cũng dẫn đến việc trì hoãn cho trẻ đi khám lại. Tất cả những lý do này đều khiến cho việc điều trị bị gián đoạn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ…

“Hiện nay, tại các cơ sở khám, chữa bệnh có quy trình sàng lọc, phân luồng và các quy trình bảo vệ bệnh nhân khi đến khám phòng chống Covid-19, phụ huynh có thể yên tâm khi cho con đến bệnh viện khám bệnh. Khi có sự phối hợp giữa người bệnh, cha mẹ trẻ với cơ cở y tế thì công tác phòng bệnh sẽ được đảm bảo. Khi đến bệnh viện, người bệnh và gia đình người bệnh chỉ cần tuân thủ quy tắc 5K và làm theo hướng dẫn của nhân viên y tế”, BS. Loan cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.