Y tế

Trẻ thò lò mũi xanh, xử trí thế nào?

15/01/2024, 06:00

Nhiều người thường cho rằng trẻ bị thò lò mũi xanh là do nhiễm trùng, do đó cần phải có sự trợ giúp của thuốc kháng sinh.

Hỏi:

Thời tiết gần đây thay đổi, con tôi bị thò lò mũi xanh dù được rửa mũi nhiều lần. Tôi có nên cho còn dùng thêm thuốc kháng sinh hay không, thưa bác sĩ?

Hoàng Lan (Hà Nội)

Trẻ thò lò mũi xanh, xử trí thế nào?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

BS Vũ Thanh Tuấn, Bệnh viện đa khoa Medlatec trả lời:

Các bậc cha mẹ cần biết quá trình làm việc của hệ miễn dịch liên quan màu sắc của nước mũi. Cụ thể là tham gia vào hệ miễn dịch có tế bào bạch cầu đa nhân.

Nó có chức năng tiêu diệt những vi khuẩn, virus, các tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể. Tế bào bạch cầu đa nhân trong quá trình làm nhiệm vụ sẽ kích thích một loại men vi sinh gia tăng hoạt tính. Loại men này có màu xanh lục.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các tế bào sẽ chết đi và được đào thải ra khỏi cơ thể cùng với những chất thải khác qua đường dịch nhầy ở mũi. 

Do đó chúng ta sẽ thấy nước mũi đặc có màu xanh của loại men kia, đôi khi là dịch vàng.

Nhiều người thường cho rằng trẻ bị thò lò mũi xanh là do nhiễm trùng, do đó cần phải có sự trợ giúp của thuốc kháng sinh. 

Tuy nhiên điều này là không chính xác và việc tự ý cho trẻ dùng kháng sinh có thể gây ra nhiều hệ lụy, một trong số đó là nguy cơ kháng kháng sinh trong tương lai. 

Đa phần hiện tượng này sẽ tự hết nếu cha mẹ có các biện pháp chăm sóc đúng cách.

Cha mẹ cần giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ, đặc biệt là tai mũi họng bằng cách sử dụng dụng cụ hút mũi hoặc sử dụng bình rửa nước mũi với chức năng dẫn nước muối sinh lý đi vào khoang mũi của trẻ, làm loãng và rửa trôi dịch nhầy. 

Khi đó, dịch mũi sẽ được giải phóng ra khỏi các khoang mũi, giúp bé dễ thở hơn.

Bên cạnh đó, cha mẹ vẫn cần duy trì việc giữ vệ sinh cho trẻ, tắm rửa cho trẻ bằng nước, đảm bảo trẻ luôn được giữ ấm khi mùa đông đến. 

Cần lưu ý chế độ ăn uống có đủ các chất dinh dưỡng sẽ giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch, chống lại các tác nhân gây bệnh.

Đặc biệt, khi bị thò lò mũi xanh, trẻ thường kèm theo tình trạng thiếu nước khiến dịch mũi đặc lại. Lúc này để cải thiện triệu chứng này, hãy cho trẻ uống nhiều nước để làm loãng dịch đờm, giảm nghẹt mũi.

Cha mẹ cần lưu ý không xông tinh dầu khi trẻ bị thò lò mũi xanh, đặc biệt với trẻ có cơ địa hen suyễn. 

Trong trường hợp bị thò lò mũi xanh kèm sốt, khó thở hoặc kèm ho quá 2 tuần không thuyên giảm… cha mẹ nên cho trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa thăm khám.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.