Pháp đình

Trẻ từ 14-dưới 16 tuổi chịu trách nhiệm hình sự thêm 3 tội?

04/04/2017, 09:37

Nhiều ý kiến đề nghị trẻ từ 14 - dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự thêm 3 tội...

30

Hội nghị ĐBQH chuyên trách góp ý vào dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Nhiều ý kiến đề nghị trẻ từ 14 - dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự thêm 3 tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; Tội hiếp dâm và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Nghiêm trị để răn đe

Ngày 3/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị ĐBQH chuyên trách góp ý vào dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) số 100/2015/QH13. Một nội dung được rất nhiều ĐB quan tâm là phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 - dưới 16 tuổi. Do còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến ĐB về 2 phương án. Thứ nhất, là giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với 3 tội danh trên.

Nghiên cứu áp dụng "thiến hóa học" tội xâm hại tình dục trẻ em

Tại hội nghị, ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội đề cập đến vấn đề nóng đang được dư luận rất quan tâm là tình trạng nhiều trẻ em bị xâm hại tình dục liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây. Dẫn chứng vụ việc vừa xảy ra ở Vĩnh Long, khi một bé gái 11 tuổi bị chính ông nội và cha của mình lạm dụng tình dục nhiều lần, ông Nhưỡng nêu quan điểm: “Trước đây, có đề xuất kiến nghị áp dụng phương pháp “thiến hóa học” đối với loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, tôi đề nghị nghiên cứu kỹ phương án này, nếu đủ sức răn đe thì nên tính toán để thực hiện”. 

Phương án 2, là giữ như quy định của BLHS năm 2015: Người từ đủ 14 tuổi - dưới 16 tuổi ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì còn phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với 3 tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; Tội hiếp dâm và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay, quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo phương án 2 là nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm này đang có xu hướng gia tăng. Kết quả phiếu thăm dò ý kiến ĐBQH tại Kỳ họp thứ 2, có 266/397 ĐBQH đồng ý với phương án này.

Đồng tình, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, ở độ tuổi từ 14 - 16 tuổi phải chịu thêm 3 tội danh trên là hợp lý, bởi tội phạm gần đây đang trẻ hóa, tính chất ngày càng phức tạp, gây bức xúc lớn trong xã hội cho nên phải nghiêm trị để răn đe. ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) và ĐB Nguyễn Thành Mai, Ủy viên Ủy ban về Các vấn đề xã hội cũng đề nghị tôn trọng đa số ý kiến khảo sát của các ĐBQH. Các ĐB cho rằng khi gia đình không giáo dục được thì cần đến vai trò của Nhà nước.

Hạ mức định lượng xả thải để xử lý tội gây ô nhiễm

Liên quan đến tội gây ô nhiễm môi trường, nhiều ý kiến ĐB đề nghị phải hạ các mức định lượng xả thải cũng như số lần vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường để bảo đảm tính răn đe và phòng ngừa.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, các hội thảo lấy ý kiến về việc này cho thấy, định lượng về mức xả thải, tỷ lệ chất nguy hại vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường được quy định trong Bộ luật này quá cao, chưa phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường đang diễn ra nghiêm trọng, phức tạp như hiện nay và có khả năng khó áp dụng trên thực tế. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc cần phải hạ mức vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với nước thải có thông số môi trường nguy hại và khí thải có chứa hàm lượng bụi hoặc khí vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) đều cho rằng, không nên quy định về khối lượng hay mức xả thải, vì thực tế không xác định được. Ví dụ, trong vụ Vedan, hay Formosa xả ngầm ở dưới làm sao xác định được? Cho nên Luật này cần quy định xả thải ra môi trường có thông số môi trường nguy hại vượt chuẩn kỹ thuật quốc tế từ 3 - 5 lần chứ không nên quy định xả thải từ 1.000m3/ngày, 5.000m3/ngày, bởi quy định như thế nếu xả thải vào đêm thì không ai tính được.

Lấy dẫn chứng vụ Formosa, ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng các ĐB đã có nhiều trăn trở và đưa ra nhiều giải pháp nhưng hậu quả của vụ việc là đặc biệt nghiêm trọng. Ông Sơn đề nghị xem xét các quy định này theo hướng giảm số lần đối với hành vi xả thải ra môi trường đối với chất thải rắn, chất thải nước, xem xét nâng mức chế tài của hình phạt để có tính răn đe vì có khi chỉ 1 lần xả thôi nhưng đã gây hậu quả lớn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.