Pháp đình

Trên 30% tai nạn lao động xảy ra trong ngành xây dựng

25/10/2014, 11:32

Trên 30% tổng số vụ TNLĐ đang thuộc về lĩnh vực xây dựng, trong đó 55% do ngã, 24% vướng các vấn đề về điện, 10% do sập đổ thiết bị trên công trình, 10% do thiếu phương tiện bảo vệ cá nhân.

An toàn vệ sinh lao động cần được chú trọng hơn trong lĩnh vực xây dựng
An toàn vệ sinh lao động cần được chú trọng hơn trong lĩnh vực xây dựng

Đặc biệt, số vụ TNLĐ gây chết người trong lĩnh vực xây dựng đang ngày càng gia tăng. Có tới 30% trên tổng số vụ TNLĐ hiện nay rơi vào lĩnh vực xây dựng (trong đó 55% do ngã, 24% vướng các vấn đề về điện, 10% do sập đổ thiết bị trên công trình, 10% liên quan đến phương tiện bảo vệ cá nhân).

Theo thống kê, nguyên nhân chủ yếu để xảy ra TNLĐ chết người là do người sử dụng lao động (chiếm 54,1%), trong đó có những lý do như người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động cho người lao động; người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiết bị không đảm bảo an toàn lao động. Ngoài ra, nguyên nhân từ người lao động chiếm 24,6% như: người lao động vi phạm quy trình quy phạm an toàn lao động; người lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân. 21,3% còn lại là do các nguyên nhân khách quan khác.

Ngoài ra còn nhiều vụ TNLĐ nghiêm trọng khác xảy ra 6 tháng đầu năm 2014 như: vụ do cháy xảy ra ngày 15-1-2014 làm 6 người chết, 1 người bị thương nặng tại Công ty TNHH MTV than Đồng Vông, (thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh); vụ do ngạt khí xảy ra ngày 11-4-2014 làm 3 người chết, 3 người bị thương tại Công ty cổ phần Vĩnh Phát (Khu công nghiệp Phú Bài, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế); vụ do đá lăn xảy ra ngày 23-4-2014 làm 2 người chết tại mỏ đá núi Đồng Thung thuộc Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng 125 - Cencol, tỉnh Thanh Hóa...

Có tới hơn 80% công nhân ngành xây dựng chủ yếu là lao động thời vụ và lao động tự do, phần nhiều trong số họ chưa được đào tạo bài bản nên ý thức bảo hộ lao động rất kém, chỉ biết làm lấy ngày công, ít khi quan tâm đến an toàn lao động. Trong khi các chủ thầu với kỹ thuật, công nghệ hạn chế, công tác giám sát thi công, đảm bảo an toàn lao động không được coi trọng là một trong số nguyên nhân dẫn đến những vụ TNLĐ thương tâm.

Điển hình, trưa 7/10/2014, trong lúc bắc giàn giáo để lăn sơn nước cho công trình xây dựng nhà tại hẻm 205 Phạm Văn Chiêu, P14Q.Gò Vấp, TPHCM, anh Nguyễn Văn H. (33 tuổi, quê Thanh Hóa) đã ngã từ tầng 3 xuống đất tử vong. Trước đó, sáng 5/10, một vụ TNLĐ thương tâm khác xảy ra tại Xí nghiệp vận chuyển số 1 thuộc Công ty TNHH MTV môi trường đô thị thành phố làm một thợ hồ trong lúc sửa mái tôn khu nhà phía trước xí nghiệp do bất cẩn đụng vào cầu dao điện cao thế đã bị giật rơi từ độ cao hơn 5m xuống đất tử vong. Nạn nhân khoảng 30 tuổi, quê Nghệ An, vào Bình Dương thuê nhà trọ đi làm phụ hồ nuôi vợ và con nhỏ mới sinh...

Hiện ngành xây dựng chiếm tỷ trọng lớn trong thu nhập kinh tế quốc dân, lực lượng lao động chiếm khoảng 10%. Tuy nhiên, đây cũng là ngành có yếu tố nguy hiểm, nặng nhọc, độc hại. Lực lượng chủ yếu ở các vùng quê lên thành phố kiếm sống, làm việc theo kinh nghiệm, thiếu kiến thức và ý thức an toàn vệ sinh lao động. Do ý thức tự bảo vệ mình và bảo hộ chưa tốt là nguyên nhân chính dẫn đến những vụ tai nạn đau lòng.

Anh Nguyễn Văn Cường (28 tuổi, quê Phú Thọ), thợ hồ đang thi công ở quận 3 khi được hỏi sao không sử dụng phương tiện bảo hộ lao động đã trả lời: “Cánh thợ hồ chúng em ít khi đội mũ bảo hộ vì toàn làm công trình nhỏ, chả có gì nguy hiểm cả. Đội vào nhiều khi vướng víu, mồ hôi ra khó chịu lắm, cứ mũ vải cho nhẹ nhàng”. Không riêng gì anh Cường, nhiều người khác cũng rất chủ quan, không chấp hành quy định về an toàn vệ sinh lao động tại các công trình đang thi công, chẳng sử dụng phương tiện bảo hộ đã được cấp phát như: găng tay, giày, mũ bảo hiểm, dây đeo an toàn...

Trong khi các đơn vị xây dựng vẫn còn thờ ơ trong việc bảo hộ lao động theo đúng quy định như đăng ký, kiểm định các loại máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động cho người lao động, trang bị phương tiện bảo hộ, ký hợp đồng với người lao động...

Để hạn chế những TNLĐ đáng tiếc xảy ra, không chỉ riêng người lao động mà các chủ đầu tư cần ý thức, trách nhiệm hơn nữa trong việc sử dụng nguồn lao động, cần đào tạo cơ bản, thực hiện giám sát điều kiện lao động tại các công trình, nhất là phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến an toàn vệ sinh lao động cho người lao động, đối tượng sử dụng lao động và có chế tài xử lý mạnh hơn. Cơ quan chức năng địa phương cũng cần phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm tra, xử lý nghiêm những công trình xây dựng vi phạm an toàn lao động...

PV

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.