Tại lễ tri ân những gia đình có người hiến giác mạc mang lại ánh sáng cho nhiều người bệnh tại giáo xứ Xuân Thủy, chị Vũ Thị Lượt (xóm 35, Hải Minh, Hải Hậu, Nam Định) chia sẻ: "Tôi và gia đình vô cùng xúc động có mặt tại buổi lễ tri ân này. Khi bố chồng tôi nằm xuống, gia đình đã quyết định hiến giác chỉ với một suy nghĩ sẽ giúp ai đó tìm được ánh sáng và tiếp tục một cuộc sống ý nghĩa".
Theo lời chị Lượt, bố chị là ông Giuse Phạm Văn Hoan mất do tuổi già, sức yếu. Khi đó, cả gia đình đều đồng lòng với quyết định hiến đôi giác mạc của ông Hoan.
"Mẹ chồng tôi có nói, bố tôi dù có mất đi vẫn làm được việc làm vô cùng ý nghĩa, với đôi giác mạc đó sẽ giúp ích cho một ai đó. Không chỉ gia đình tôi, với sự tuyên truyền nhiều năm qua về việc hiến giác mạc của người mất cứu người, trong xã nhiều gia đình cũng sẵn sàng, không ngại ngần khi làm việc này", chị Lượt cho biết.
Cũng có mặt tại đây, ông Phạm Xuân Phong (xóm 35, Hải Minh, Hải Hậu, Nam Định) là người có 21 năm tham gia việc tuyên truyền, vận động các gia đình trong khu vực tình nguyện hiến giác mạc khi người thân mất. 2 người mẹ của ông Phong khi mất cũng đều hiến giác mạc, và nhiều người thân thiết trong gia đình ông không may ra đi cũng có hành động tình nguyện đó.
"Cũng có những trường hợp, người nằm xuống và gia đình đã đồng ý hiến giác mạc nhưng người con nơi phương xa trở về nhất quyết không chấp nhận, tôi lại thuyết phục để họ hiểu được việc làm này là vô cùng nhân văn. Rất may mắn là chưa có trường hợp nào bất thành", ông Phong chia sẻ.
21 năm theo đuổi việc làm ý nghĩa này, bất kể thời gian, gia đình nào trong xóm, trong xã có người mất và hiến giác mạc là ông Phong xuất hiện để hỗ trợ kết nối với cán bộ Ngân hàng Mắt về lấy giác mạc, hoặc gặp ca "khó" là ông Phong lại thuyết phục, vận động.
Trong những năm qua, chỉ tính riêng xã Hải Minh đã có 98 người mất hiến giác mạc, trong đó giáo xứ Phạm Pháo có 51 người hiến giác mạc.
Tri ân những người đã hiến giác mạc, ông Phạm Ngọc Đông, Phó giám đốc BV Mắt Trung ương chia sẻ: "Ghép giác mạc là cách duy nhất đem lại ánh sáng cho người hỏng giác mạc. Con người có thể chế tạo nhiều thứ nhưng giác mạc chưa chế tạo được. Do đó điều duy nhất có thể cứu người bệnh chính là được ghép giác mạc từ nguồn hiến tặng lại của những người đã mất. Nếu không có nguồn hiến giác mạc thì chúng tôi cũng đành bó tay. Chính vì vậy, sự đóng góp của người hiến giác mạc là nguồn vật liệu vô cùng quý giá mang lại ánh sáng cho người bệnh".
Còn theo Cha Chánh sứ Giáo xứ Xuân Thủy Phêrô Maria Lương Đức Thủy, tại giáo xứ tổ chức nhiều chương trình kêu gọi hiến giác mạc cứu người mù lòa. Với cộng đoàn công giáo kể cả lúc đang dịch bệnh khi có người qua đời cũng gọi điện hiến giác mạc. Việc trao tặng không vụ lợi, chỉ với mong muốn sự sống cho nhiều người khác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận