Theo hình ảnh trong clip, sau va chạm, người đàn ông dừng xe lao đến đấm nhiều lần vào đầu thanh niên đến khi ngã, rồi tiếp tục đá vào mặt nạn nhân, sau đó chạy xe rời đi. Sự việc diễn ra trong khoảng một phút.
Trước đó, ngày 7/12, một người đi xe máy đã va chạm với một ô tô 4 chỗ ở TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Sự việc chẳng có gì đáng nói nếu hai bên xuống xe, trao đổi nhẹ nhàng, vì va chạm rất nhỏ.
Nhưng bất ngờ, tài xế xe máy chạy vào nhà dân gần đó lấy hung khí ra đập nhiều lần vào cửa kính chắn gió, kính bên hông cửa xe, khiến nhiều người bên trong ô tô mở cửa tháo chạy. Sự việc xảy ra lúc tan tầm khiến đoạn đường trên kẹt xe nghiêm trọng.
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ va chạm giao thông, dù chỉ là va chạm nhỏ nhưng những người liên quan sẵn sàng chửi bới, gây gổ, hành hung, hủy hoại tài sản của người khác. Rất nhiều vụ án đã khởi tố, nhiều người vướng vòng lao lý, nhưng vì sao câu chuyện này vẫn tiếp diễn?
Có một thực tế là khi xảy ra va chạm, nhiều người bất cần biết đúng sai, trở nên hung dữ, nhẹ thì chửi bới, nặng thì lao vào ẩu đả, thậm chí giết người.
Những vụ việc liên tiếp xảy ra gần đây cho thấy khả năng kiềm chế, văn hóa ứng xử trên đường của một bộ phận người tham gia giao thông rất kém. Chỉ vì lý do nhỏ nhặt, họ sẵn sàng dùng hung khí, vũ lực, trong khi có thể giải quyết một cách ôn hòa.
Thật ra, nếu có rơi vào tình huống cụ thể mới có thể biết được trạng thái tâm lý khi đối mặt với sự việc cụ thể trên đường. Nhưng nếu là một công dân hiểu biết, thượng tôn pháp luật, bất cứ ai cũng có thể ý thức được việc phải trả giá cho hành vi bột phát của mình.
Nếu đủ kiến thức, một tài xế sẽ biết cách để tránh xung đột ngay khi va chạm xảy ra, tránh được hành động mất kiểm soát. Việc nói năng mềm mỏng, không đôi co, có thể nhận sai và xin lỗi đối phương, biết đâu lại tránh được những tình huống không mong muốn?
Các vụ ẩu đả khi tham gia giao thông không chỉ gây nguy hiểm cho tính mạng của người liên quan mà còn làm ảnh hưởng an ninh trật tự, gây ùn tắc giao thông. Vừa qua, lực lượng công an đã nhanh chóng tiếp nhận phản ánh từ mạng xã hội, báo chí, vào cuộc xác minh, xử lý nhiều vụ. Đó là điều rất cần thiết để răn đe, giáo dục.
Tuy vậy, điều quan trọng hơn là cần đẩy mạnh tuyên truyền, để mọi công dân đều nhận thức và tuân thủ pháp luật, trước hết là ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông.
Cùng với việc xử lý nghiêm để răn đe, dư luận xã hội cũng cần lên án mạnh mẽ những hành vi vi phạm pháp luật, ngăn thói hành xử côn đồ, cảnh tỉnh những người có bản tính hung dữ nếu không may có xảy ra va chạm trên đường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận