Xu hướng tất yếu khi "gió đổi chiều"
Reuters dẫn lời các lãnh đạo trong ngành sản xuất xe hơi cho biết, Triển lãm lần này cho thấy một sự chuyển dịch về tư duy đối với nhiều hãng xe hơi quốc tế. Họ đã ấn tượng bởi "cú nhảy vọt" của BYD và nhiều hãng xe hơi Trung Quốc tại Triển lãm xe hơi Thượng Hải cuối năm ngoái và giờ đang rất tích cực tìm kiếm đối tác Trung Quốc.
Trong số những hãng xe ngoại mong muốn hợp tác nhất với các hãng xe Trung Quốc phải kể đến những thương hiệu đến từ Nhật Bản và châu Âu. Toyota Motor tuyên bố sẵn sàng hợp tác với "gã khổng lồ" về game và mạng xã hội Tecent trong phát triển trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn.
Trong khi đó, Nissan đã công khai công bố hợp tác với hãng công nghệ Baidu để tiến hành nghiên cứu về AI và xe thông minh. CEO Nissan Makoto Uchida từng tham quan nhiều gian triển lãm trong đó có gian hàng của tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc Huawei, hiện đang là một trong những nhà cung cấp linh kiện xe hơi thông minh lớn trên thế giới.
Trước đó, một quan chức điều hành hãng xe hơi Renault của Pháp cho biết, hãng "đã có những cuộc trao đổi cởi mở" với hãng sản xuất xe điện Li Auto cùng hãng sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi để khai thác tiềm năng phát triển xe điện cùng những công nghệ thông minh cần được trang bị trên xe. Volkswagen, hãng sản xuất xe hơi Đức có thị phần lớn nhất châu Âu, lại bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác với hãng xe điện mới khởi nghiệp XPeng.
Ông Bob in den Bosch, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách bán hàng toàn cầu của Hesai Technology có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết số lượng quan chức cấp cao từ các hãng xe hơi châu Âu tham quan gian hàng công nghệ cảm ứng từ xa LIDAR của hãng cao hơn rất nhiều trong năm nay so với năm ngoái.
"Họ đang tìm kiếm đối tác để kéo gần khoảng cách với các hãng xe Trung Quốc", ông Bob nói.
Các hãng xe hơi nước ngoài thống trị thị trường xe hơi Trung Quốc từ những năm 90 và mang đến đây rất nhiều kiến thức quan trọng. Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi khi tổng thị phần của các hãng xe hơi nước ngoài tại thị trường Trung Quốc trong năm 2023 chỉ còn chiếm 48%, giảm đáng kể so với mức 57% chỉ 2 năm trước đó theo số liệu từ Hiệp hội Sản xuất xe hơi Trung Quốc.
Nội địa hóa để giành thị phần
Các hãng xe hơi tại Đức như Volkswagen và Mercedes cho biết họ đang tập trung vào nỗ lực nội địa hóa việc sản xuất xe hơi tại Trung Quốc và sẵn sàng đầu tư cho các đối tác tại đại lục. Volkswagen đã nhiều lần công khai tuyên bố mục đích của họ vẫn là duy trì vị thế thương hiệu xe ngoại bán chạy nhất Trung Quốc từ nay đến năm 2030.
Ông Hildegard Mueller, Chủ tịch Hiệp hội Xe hơi Đức (VDA) cho biết, các hãng xe hơi Đức cũng đang triển khai các chiến lược marketing mới nhằm thu hút khách hàng Trung Quốc bao gồm hợp tác với những nhân vật có tầm ảnh hưởng trong ngành công nghiệp xe hơi Trung Quốc để quảng bá những mẫu xe và xu hướng xe mới tới lượng lớn công chúng theo dõi họ trên mạng xã hội mà theo ông là có tiềm năng cực lớn.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Xe hơi Trung Quốc, thị phần của Toyota Trung Quốc cũng đã sụt giảm trong năm ngoái. Tính chung, Toyota Trung Quốc và các hãng liên doanh như Tập đoàn Xe hơi Quảng Châu (GAC) và Tập đoàn Xe hơi Đệ nhất (FAW) chỉ còn chiếm 7,9% thị phần xe hơi Trung Quốc trong năm 2023 so với mức 8,6% trong năm 2022.
Toyota cho biết, hãng sẽ tích hợp công nghệ từ Tencent cho một mẫu xe hơi do Trung Quốc sản xuất sẽ được bán trong năm nay. Để khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác nói trên, Giám đốc Công nghệ của Toyota Hiroki Nakajima đã mời một quan chức cao cấp của Tencent lên sân khấu tham dự buổi thuyết trình của hãng tại Triển lãm Xe hơi Bắc Kinh.
"Chúng tôi muốn cùng Toyota cung cấp các sản phẩm và dịch vụ gần gũi với khách hàng, tham gia vào các giải pháp di động cho tương lai và hướng tới những "trái ngọt" cho việc hợp tác giữa chúng ta", ông Dowson Tong, CEO Tencent phụ trách Điện toán Đám mây và Công nghệ Thông minh chia sẻ.
Tuy nhiên, không phải hãng xe nào cũng hào hứng với triển vọng hợp tác với các hãng xe Trung Quốc.
Ông Katsuhide Moriyama, Chủ tịch liên doanh GAC Honda thừa nhận các hãng xe nước ngoài giờ rất khó cạnh tranh với Trung Quốc trong lĩnh vực xe điện: "Các hãng xe ngoại phải cắt giảm thời gian để cho ra đời các mẫu xe mới, cạnh tranh với xe Trung Quốc. Nhưng vòng đời 2 năm một mẫu xe là quá ngắn với chúng tôi".
Trong khi đó, doanh số của hai hãng xe hàng đầu của Mỹ là Ford và General Motors sụt giảm liên tục trong bối cảnh doanh số xe xăng cũng đang tụt dốc và khách mua xe chuyển sang các dòng xe do Trung Quốc sản xuất. Giám đốc Tài chính Ford John Lawler cho biết hãng vẫn muốn duy trì sự hiện diện tại Trung Quốc nhưng không có kế hoạch đầu tư thêm.
"Chúng tôi sẽ không chuyển tổng hành dinh sang Trung Quốc" - ông Lawler nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận