Những ngày qua, người dân tổ dân phố Thạnh Đức 1, phường Phổ Thạnh, TX. Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi luôn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ khi mà những con sóng dữ từ khơi xa liên tục dội vào bờ cuốn tất cả mọi thứ trôi ra biển kể cả cây cối, hoa màu, vườn tược và nhà dân.
Tuyến kè biển chắn sóng kiên cố đã bị triều cường đánh sập gãy đổ.
Ghi nhận hiện trường vụ sạt lở sáng 5/11 cho thấy, ngay điểm cuối đoạn kè biển Thạnh Đức 1, là hình ảnh sạt lở nguyên một đoạn bờ kè bằng bê tông, cốt thép kiên cố bị sóng biển đánh gãy đôi và sụt sâu xuống bên dưới khoảng 2m. Những mảng bê tông cứng cáp giờ nằm ngổn ngang, chênh vênh.
Phía bên dưới, sóng biển dội vào cuốn trôi từng thớ đất đắp tạo ra hàm ếch khoét sâu vào bên trong khoảng 3m khiến cho mảng bê tông rộng lớn được thiết kế làm tuyến đường giao thông nội bộ nằm trơ trọi và đứng trước nguy cơ đổ gãy tiếp theo. Cạnh đó, sóng biển cũng “ngoạm” một đoạn bờ đất phía trong kè, khu vực ngăn cách bờ kè biển với nhà dân tạo ra hố sâu khoảng 2m.
Khi bức tường bê tông chắn sóng bị đánh gãy cũng là lúc nhiều hộ dân sống cạnh bờ biển tỏ ra hoang mang. Bởi, một khi tuyến kè biển bị sóng biển đánh bay thì những ngôi nhà cấp 4 cũng đứng trước nguy cơ bị sóng biển cuốn trôi bất cứ lúc nào.
Ông Phạm Sáu, 84 tuổi, tổ dân phố Thạnh Đức 1, tỏ ra lo lắng, bởi với ông, đã 84 mùa mưa bão đi qua chưa khi nào sóng biển lại hung dữ như những đợt triều vừa qua. Ông Sáu cho biết, ban ngày biển rất êm dịu, nhưng khi đêm xuống thì triều cường nổi lên, các con sóng bạc tung bọt trắng xóa di chuyển từ khơi xa liên tiếp dội vào bờ.
“Tôi nằm trong nhà nghe tiếng sóng dội ầm ầm, sau thì nghe những tiếng răng rắc kiểu như đứt gãy cái gì đó. Sáng ra mới hay là sóng đánh gãy tuyến kè, sập đường đi. Bà con ở đây lo lắm, chưa khi nào sóng biển lại dữ dội như vậy. Nếu không kịp thời gia cố thì trong mùa mưa này đoạn kè còn lại sợ không trụ vững. Một khi kè bị cuốn trôi thì mấy ngôi nhà bên trong cũng bị biển “nuốt” nhanh thôi”, ông Sáu lo lắng.
Ông Phạm Sáu, 84 tuổi nói: Một khi kè bị cuốn trôi thì mấy ngôi nhà bên trong cũng bị biển “nuốt” nhanh thôi.
Cách tuyến kè biển bị hư hỏng nghiêm trọng là đoạn dài khoảng 400m bờ biển bằng đất ngổn ngang cây cối đổ, phía bên trên những cây chưa sạt lở là những chiếc võng ngủ trưa của người dân treo lủng lẳng.
Từ chỗ nhà cách bờ biển hơn 20m, giờ căn nhà bà Trần Thị Dung chỉ cách chân sóng chưa đến 2m. Những cây gỗ, bờ đá, bao đất được đắp kiên cố để giữ đất giờ nằm chênh vênh trên bờ vực và từng ngày rơi xuống bên dưới do mất chân. Những cây xanh như dứa, dừa, dương liễu… trồng giữ đất giờ lộ ra bộ rễ chực chờ đổ ngã.
Ngồi bên mép nhà nhìn ra phía biển, bà Dung thẫn thờ: “Trước biển ở ngoài xa, nhà được bờ cây xanh che chắn, bảo vệ. Tưởng mọi thứ an toàn nào ngờ, chỉ sau hai đợt sóng nhà chỉ cách biển còn đúng một bước chân. Mấy đêm rồi có khi nào dám ngủ trong nhà đâu, tôi phải sang nhà hàng xóm phía bên trong ngủ nhờ, sáng ra thì về nhà ở. Không biết khi nào biển cuốn căn nhà đi nữa. Chỉ mong nhà nước sớm làm kè, hoặc chuyển tôi đến nơi tái định cư chứ sống kiểu này không biết sống làm sao”.
Cách nhà bà Dung không xa là hai căn nhà của bà Châu Thị Hương và ông Nguyễn Thanh đổ sập nằm chơ vơ bên chân sóng chỉ còn lại những mảng tường trơ trọi. Bên dưới chân móng bị khoét sâu vào bên trong.
Căn nhà bà Dung nằm chênh vênh bên bờ biển sau những đợt sạt lở kinh hoàng cuốn dải cây xanh bảo vệ vòng ngoài.
Sau những đợt triều cường lớn, căn nhà bà Dung giờ chỉ còn cách biển vài bước chân và chực chờ đổ sập.
Bà Dung ngồi thẫn thờ bên bờ biển cầu mong biển đừng nổi sóng để căn nhà của bà yên ổn.
Chị Võ Thị Mến, nhà sát vách nhà bà Hương và ông Thanh ngơ ngác nói: Hôm biển nổi sóng, cả xóm không ai chợp mắt được, ai cũng cầm đèn pin đi qua đi lại để kiểm tra và quan trọng là để… cứu nhau nếu có tình huống xấu xảy ra. Đến tận khuya khi mọi người thấy biển êm hơn và ít sóng tưởng chuyện đã ổn. Ngờ đâu, hai con sóng cao cả chục mét nổi ầm ầm. Tích tắc hai căn nhà đổ ầm xuống biển. Bà con đừng trong xa nhìn bất lực. Nhìn tài sản, của cải cả đời tích cóp của hàng xóm giờ chỉ còn mỗi bức tường trơ trọi mà xót.
“Nhà nước sớm làm kè để bảo vệ dân. Nhưng trước mắt phải có biện pháp gia cố, chống triều cường lớn chứ chờ có vốn thi công thì hơn 10 ngôi nhà như xóm chúng tôi đang ở chỉ một vài cơn sóng lớn nữa thì sẽ thành biển cả thôi”, chị Mến kiến nghị.
Phó Chủ tịch UBND TX .Đức Phổ Võ Minh Vương cho biết, do tác động trực tiếp các đợt mưa, bão và triều cường khiến sóng biển dâng cao đã gây hư hỏng công trình kè và sạt lở bờ biển nghiêm trọng đe dọa an toàn nhiều nhà dân.
“Theo đo đạc, sạt lở bờ biển kéo dài hơn 400m, ăn sâu vào đất liền từ 20-50m, ảnh hưởng trực tiếp đến 11 nhà ở của người dân. Trong đó, có 2 nhà bị sạt lở, đổ hoàn toàn; 9 nhà có nguy cơ đổ sập và 70 hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng gián tiếp do sạt lở bờ biển”, ông Vương thông tin.
Hai căn nhà của bà Châu Thị Hương và ông Nguyễn Thanh đổ sập nằm chơ vơ bên chân sóng chỉ còn lại những mảng tường trơ trọi.
Cũng theo ông Vương, công trình kè chắn sóng chống sạt lở bờ biển tổ dân phố Thạnh Đức 1, phường Phổ Thạnh có chiều dài 302m, tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng vào giữa tháng 11/2019, với mục tiêu nhằm bảo đảm an toàn cho 60 hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng của sạt lở; trong đó có 20 hộ dân với 105 nhân khẩu bị tác động trực tiếp do trình sạt lở gây ra.
Từ khi tuyến kè biển được xây dựng đến nay, công trình đã phát huy được hiệu quả, góp phần chống sạt lở bờ biển, bảo vệ an toàn cho các hộ dân sinh sống gần khu vực và các công trình hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, thiên tai vừa qua quá lớn đã dẫn đến hư hỏng và sạt lở đe dọa an toàn tính mạng hàng trăm người dân.
“Trước mắt địa phương cảnh báo và di dời tạm thời một số hộ ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Cắm biển cảnh báo và thông tin kịp thời cho người dân biết khi thời tiết bất lợi. Về lâu dài để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của 483 hộ dân, với 2.211 nhân khẩu trước triều cường kết hợp với sóng to, địa phương sẽ tính toán để đầu tư kè kiên cố, song kinh phí eo hẹp nên mong UBND tỉnh quan tâm, xem xét cho chủ trương và bố trí kinh phí khắc phục khẩn cấp cũng như xây mới đoạn tuyến bờ biển bằng đất đang bị sạt lở nặng”, ông Vương kiến nghị.
>>> Một số hình ảnh PV Báo Giao thông ghi lại tại hiện trường:
Đoạn kè biển kiên cố bị sóng đánh sập đổ ngổn ngang.
Những mảng bê tông dày khoảng 20cm kiên cố nhưng đã đứt vỡ thành từng mảng nhỏ nằm ngổn ngang.
Kè biển bị sóng đánh tan hoang, vụn vỡ.
Sợ biển sạt lở do nạn lấy cát, người dân đã cắm tấm biển cảnh báo.
Sóng lớn và triều cường đã cuốn trôi đất đai, vườn tược của người dân tổ dân phố Thạnh Đức 1 xuống biển và tạo thành vực sâu.
Một đoạn đường bê tông dẫn ra biển giờ nằm chênh vênh trên... trời vì nền đất bên dưới bị sóng biển cuốn trôi tạo thành vực sâu.
Những mảng cây xanh được người dân trồng để làm lá chắn bảo vệ vườn tược, nhà cửa giờ đổ trơ trọi.
Hai ngôi nhà của bà Hương và ông Thanh bị sóng biển đánh sập chỉ còn lại những bức tường chênh vênh bên chân sóng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận