Ông Trần Văn Danh trồng quýt đường tại đồi Latina - Ảnh: Anh Phan |
Sau nhiều năm mang giống từ miệt vườn Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp… về trồng, cư dân trên núi Cấm (xã An Hảo, H.Tịnh Biên, An Giang) đã nghiên cứu để cây quýt cho trái vào dịp tết và trở thành loại đặc sản quý hiếm ở An Giang.
Đặc sản núi đón tết
Thành công với cây quýt tiều, quýt hồng miệt Lai Vung, ông Ba Tùng (khu vực chùa Phật Lớn) là người đầu tiên hình thành mô hình vườn đồi, vườn rừng và mở ra triển vọng trồng cây có múi trên đỉnh núi Cấm.
Theo ông Lê Văn Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân H.Tịnh Biên, việc trồng cây có múi thành công trên núi như ông Ba Tùng là rất hiếm. Bởi điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng núi non, không phải chỗ nào muốn trồng đều được như vậy. Ngoài ra, trên núi Cấm còn có vườn quýt đường giống Cái Bè của ông Trần Hoàng Anh (ở vồ Đầu) cũng thuộc loại có hạng vì ông vừa thu hoạch xong 2 công được trên 5 tấn quýt trái.
Theo ông Hoàng Anh, quýt đường được ông trồng ghép gốc bưởi, màu sắc tuy không rực rỡ như quýt tiều, quýt hồng nhưng trái to, mùi thơm, rất ngon ngọt. “Ở độ cao hơn 600 m, cây quýt sống được, phát triển tốt, cho trái đạt yêu cầu phải nói là mừng hết cỡ. Mới thu hoạch 2 đợt mà như vậy là coi như thành công rồi, từ đây tới tết còn ăn dài dài nữa” ông Hoàng Anh phấn khởi nói.
Núi Cấm được xem là nóc nhà của ĐBSCL, song trái cây đón tết ở đây rất hiếm vì phần lớn người dân trồng cây bản địa vào mùa mưa. Do vậy, có quýt tiều, quýt hồng, quýt đường… bán cuối năm đang được cư dân xứ núi đồn đãi khắp vùng. Anh Nguyễn Văn Lường (cư dân vồ Đầu, núi Cấm) cho biết việc ông Hoàng Anh, ông Ba Tùng lập vườn trồng quýt bán vào dịp tết là một thành công lớn. Các ông đã đi tắt đón đầu vì núi Cấm chuẩn bị vào mùa du lịch, sẽ có rất đông du khách gần xa về đây hành hương, thưởng ngoạn. “Diện tích ít, sản lượng không nhiều, chỉ cần bán tại đỉnh núi cũng hết hàng”, anh Lường nói vui.
Triệu phú vườn đồi
Anh Phạm Việt Tân, Trưởng ấp Vồ Đầu (xã An Hảo), cho biết: “Bà con đã biết vượt qua điều kiện khó khăn để sản xuất nâng cao đời sống. Như bên vồ Rau Tần, trên 1.000 cây quýt hồng của ông Nguyễn Thiện Chí cũng cho trái tươi tốt và hứa hẹn một cái tết sung túc”.
Về phần mình, ông Chí cho hay ngoài 10 tấn trái thu hoạch đợt đầu đã bán, số còn lại hiện đang o bế tiếp tục đón tết, với sản lượng khoảng 10 tấn. “Đợt đầu tôi bán quýt được 23.000 đồng/kg. Càng cận tết chắc chắn quýt sẽ còn lên giá nữa, vì trên núi Cấm người lập vườn trồng quýt không nhiều, nhất là quýt bán dịp tết lại càng hiếm”, ông Chí cho biết thêm.
Còn ông Trần Văn Danh (ở đồi Latina) đang có 12 công quýt đường (giống Định Quán, Đồng Nai) nằm bên sườn núi Cấm. Vợ chồng ông cho biết vừa bán được 25 tấn trái, đây là đợt thu hoạch đầu tiên với khoảng 70% số cây đang cho trái, 30% số cây còn lại để đón tết.
“Bạn hàng cho biết quýt này họ tiêu thụ ở Hà Tiên, Phú Quốc và bán qua Campuchia. Ngoài quýt tết, tôi còn chuẩn bị quýt phục vụ dịp Tết Chol Chnam Thmay 2015 của đồng bào Khmer”, ông Danh cho biết thêm.
Ông Dương Ánh Đông, Trưởng trạm bảo vệ thực vật H.Tịnh Biên, cho rằng khí hậu núi Cấm ở độ cao từ 400 - 500 m trở lên rất ổn định, thích hợp với loại cây có múi nhưng lại khó khăn trong việc chủ động nước tưới, nhất là vào mùa khô. Nên việc bà con chủ động để quýt cho trái đúng dịp tết là một thành công, mở ra một hướng mới trong phát triển nông nghiệp tại địa phương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận