Mỹ - Hàn Quốc bắt đầu tiến hành các cuộc tập trận chung thường niên quy mô lớn nhất từ trước tới nay. |
Dũng khí của Triều Tiên?
Tập trận chung thường niên bắt đầu từ 7/3 đến 30/4 mang tên “Giải pháp then chốt” và “Đại bàng non” năm nay giữa Mỹ - Hàn Quốc không chỉ “khủng” về số lượng binh sĩ (300.000 binh sĩ Hàn Quốc, 17.000 binh sĩ Mỹ), mà quy mô các bài tập năm nay cũng sẽ “tăng gấp đôi so với năm ngoái”, theo Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo. Đặc biệt, cuộc tập trận “Giải pháp then chốt” có kế hoạch OPLAN 5015 hướng đến phá huỷ kế hoạch sản xuất vũ khí huỷ diệt hàng loạt và chuẩn bị cho liên quân trong tư thế sẵn sàng trong trường hợp bị Triều Tiên tấn công.
Cuộc tập trận diễn ra 5 ngày sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua các biện pháp trừng phạt được xem là hà khắc nhất đối với Bình Nhưỡng từ trước tới nay.
Ngay lập tức, chính quyền Kim Jong-un gọi đây là một “cuộc tập luyện để xâm lược Triều Tiên”, theo BBC. Trong khi AP dẫn tuyên bố từ Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên: “Bình Nhưỡng đang nhìn thấy kẻ thù của mình giương đôi mắt đỏ ngầu để xúc phạm nhân phẩm, chủ quyền sống còn của Triều Tiên”, kèm theo đe dọa: “Chúng ta sẽ ấn nút tiêu diệt kẻ thù ngay bây giờ, tất cả những hành động khiêu khích sẽ chìm trong biển lửa và tan thành tro trong khoảnh khắc”.
Tuyên bố nêu rõ: “Một cuộc tấn công hạt nhân ồ ạt sẽ cho những kẻ ham thích xâm lược và chiến tranh thấy dũng khí của Triều Tiên”. Theo đó, các cuộc tấn công sẽ không chỉ nhắm mục tiêu vào những cứ điểm trên bán đảo Triều Tiên mà còn vươn xa tới những cơ sở Mỹ trên đất liền cùng nhiều khu vực khác ở châu Á - Thái Bình Dương.
Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên miêu tả cuộc tập trận thường niên Mỹ - Hàn Quốc chính là “một bài diễn tập chiến tranh hạt nhân không che giấu” đe dọa tới chủ quyền quốc gia và thề sẽ đáp trả bằng một cuộc tấn công toàn diện ngay cả với những “hành động quân sự nhỏ nhất”.
Đe dọa như… cơm bữa
Cùng ngày, ông Hồng Lỗi - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc (nước được cho là đồng minh thân cận của Triều Tiên) cho biết, “rất quan ngại” về các cuộc tập trận quân sự chung đang diễn ra giữa Hàn Quốc và Mỹ. Khi được hỏi về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, ông Hồng Lỗi kêu gọi “các bên liên quan” kiềm chế, theo Yonhap.
Hãng tin Yonhap cũng dẫn lời ông Georgy Toloraya, Giám đốc phụ trách Chương trình về Bán đảo Triều Tiên tại Viện Kinh tế Nga, dự báo Triều Tiên có thể có các hành động mạnh mẽ, thậm chí cực đoan trong bối cảnh nước này đang tiến gần tới thời điểm tổ chức đại hội toàn quốc của Đảng Lao động Triều Tiên, dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới. Ông Toloraya nhận định: “Bình Nhưỡng thậm chí có thể đi xa đến mức chấm dứt tư cách thành viên Liên hợp quốc của mình, qua đó cho phép nước này bỏ qua bất kỳ biện pháp trừng phạt nào khác của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”.
Còn ông Ted Postol, Giáo sư Khoa học - công nghệ và Chính sách an ninh quốc gia tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) kiêm cố vấn khoa học Tư lệnh Hải quân của Lầu Năm Góc nói: “Chúng ta không nên thổi phồng sự nghiêm trọng và bị phân tâm quá nhiều về mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa mà Triều Tiên tạo ra”.
Hãng tin BBC không ngần ngại xem hành động đe dọa tấn công hạt nhân vào Mỹ và Hàn Quốc của Triều Tiêu là một lời “đe dọa bừa bãi” và vốn không phải chuyện hiếm của Bình Nhưỡng. Mới nhất, cuối năm 2015, Bình Nhưỡng cũng từng dọa sẽ biến Washington thành “biển lửa”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận