Bức ảnh thể hiện sức mạnh tên lửa Triều Tiên do Cơ quan Thông tấn T.Ư Triều Tiên cung cấp ngày 7/3 |
Triều Tiên thử tên lửa, rơi xuống gần Nga
Đây là hành động khiêu khích đầu tiên từ phía Triều Tiên kể từ khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhậm chức tuần qua. Theo tính toán từ phía Mỹ, tên lửa này đã rơi xuống biển, cách khu vực Vladivostok của Nga khoảng 96km, hãng tin CNN dẫn lời quan chức Mỹ cho biết. Khu vực Vladivostok là nơi Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đồn trú.
Động thái này đã khiến lãnh đạo các nước trên thế giới đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ. Đáng chú ý, tân Tổng thống Hàn Quốc, Moon Jae-in, người có chiến lược dùng đàm phán để giải quyết vấn đề Triều Tiên cho biết, vụ thử tên lửa đã vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ông Moon gọi đây là thách thức nghiêm trọng tới hòa bình và an ninh của bán đảo Triều Tiên và trên thế giới.
Sau đó, tại cuộc họp với các nhân viên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định, Seoul sẽ phản ứng và thể hiện rõ để Triều Tiên thấy, dù có thể đàm phán nhưng biện pháp đó chỉ được thực hiện nếu Triều Tiên thay đổi thái độ.
Tại Nhật, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yasuhide Suga và sau đó là Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đều lên tiếng chỉ trích động thái của Triều Tiên là “không thể tha thứ và cực lực phản đối”.
Từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích động thái bắn tên lửa của Triều Tiên là “mối đe dọa trắng trợn” và kêu gọi “trừng phạt mạnh tay, sâu rộng” với hành động này. Tại Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát thông báo kêu gọi các bên kiềm chế.
Một mũi tên, trúng nhiều đích
Hãng tin CNN dẫn lời giáo sư Đại học Hawaii Pacific, cựu Giám đốc điều hành tại Trung tâm Tình báo phối hợp, thuộc Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, ông Carl Schuster, việc tên lửa được phóng sát tới gần Nga là nhằm gửi thông điệp tới cả Moscow và Bắc Kinh. Theo ông Schuster, Triều Tiên muốn cảnh báo Nga rằng: “Moscow cũng có thể là mục tiêu” và gửi thông điệp: “Chúng tôi không quan tâm những gì các ông nghĩ, chúng tôi là đất nước độc lập” tới Trung Quốc.
Cũng theo ông Schuster, “không phải ngẫu nhiên” khi Triều Tiên chọn thời điểm khai mạc diễn đàn cấp cao “Vành đai, Con đường” tại Bắc Kinh với sự tham gia của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, phái đoàn từ Mỹ, các lãnh đạo từ gần 30 nước trên thế giới và cả Triều Tiên để bắn tên lửa. Giáo sư Schuster cho rằng: “Đó là cách Triều Tiên nói với Nga: Các ông cần phải lên tiếng”.
Một mục tiêu khác được cho là nhằm phô trương sức mạnh tên lửa. Hiện nay, Mỹ đang phân tích để xác định loại tên lửa Bình Nhưỡng sử dụng để phóng. Nhưng, theo ông David Wright, Giám đốc Hiệp hội các Nhà khoa học Mỹ, Triều Tiên có lẽ muốn chứng tỏ họ sở hữu tên lửa tầm xa hơn so với các tên lửa hiện nay. Trong một bài viết đăng trên trang của tổ chức khoa học này, ông Wright chỉ ra, tên lửa của Triều Tiên được cho là đạt độ cao 2.000km và trong thời gian bay 30 phút.
Nếu tên lửa của Bình Nhưỡng đạt tới độ cao và độ xa nói trên, nó hoàn toàn có thể chạm tới lãnh thổ Guam của Mỹ trên Thái Bình Dương, ông Wright phân tích.
Ngoài ra, vụ thử tên lửa này cũng được coi là phép thử đầu tiên dành cho tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sau vài ngày nhậm chức. Vụ việc buộc ông Moon phải đặt vấn đề Bình Nhưỡng, ít nhất là trong lúc này, lên hàng đầu so với chương trình nghị sự về kinh tế mà ông vốn ưu tiên trong những ngày đầu bước vào Nhà Xanh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận