Triều Tiên sẽ phải trả giá sau vụ thử bom H? |
“Trả giá thích đáng”
Ngày 7/1, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Tổng thống Mỹ Barack Obama điện đàm và hứa sẽ hợp tác chặt chẽ để chắc chắn rằng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với hành động thử nghiệm bom nhiệt hạch của Triều Tiên. Trong cuộc điện đàm kéo dài 20 phút, hai nhà lãnh đạo cùng chia sẻ quan điểm Triều Tiên phải trả giá thích đáng cho cuộc thử nghiệm ngày 6/1.
Cùng ngày, Hãng thông tấn Yonhap cho rằng, một khi tuyên bố thử bom nhiệt hạch chính thức được xác nhận, sẽ kéo theo việc Hàn Quốc tăng cường vũ trang, kêu gọi đồng minh Mỹ tái triển khai những vũ khí hạt nhân chiến lược để bảo vệ an ninh quốc gia. Trong đó, có khả năng Mỹ sẽ triển khai trở lại hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD mà nước này đã rút khỏi Hàn Quốc từ những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ trước.
Cùng ngày, Hàn Quốc kêu gọi Trung Quốc (đồng minh thân cận của Triều Tiên) hợp tác để đưa ra các biện pháp trừng phạt “thực chất và hiệu quả”. Đại sứ Hàn Quốc tại Bắc Kinh - Kim Jang-soo gửi công hàm ngoại giao lên Ủy viên Quốc vụ Viện Trung Quốc Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vương Nghị. Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se dự kiến sẽ có cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc về vấn đề này.
Truyền thông Hàn Quốc đưa tin, Chủ tịch tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc tướng Lee Sun-jin và Chỉ huy các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc tướng Curtis Scaparrotti đang bàn về việc triển khai tàu ngầm hạt nhân, tiêm kích F-22 và máy bay ném bom B-52 tới Hàn Quốc.
Trong một diễn biến liên quan, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, ba máy bay huấn luyện T4 thuộc Lực lượng Phòng vệ trên không đã được cử đi thu thập các nguyên liệu phóng xạ có thể có trong không khí sau tuyên bố đã tiến hành thử thành công bom nhiệt hạch của Triều Tiên. Các mẫu này đã được gửi tới Trung tâm Phân tích hóa học Nhật Bản.
Không thích bị “chỉ đạo”
Ngay sau sự việc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định Trung Quốc không biết trước Triều Tiên sẽ thực hiện vụ thử và yêu cầu nước này tôn trọng cam kết phi hạt nhân hóa, không có hành động làm xấu tình hình.
Tuy nhiên, theo tờ Diplomat, dù mối quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên có những đồn đoán không hay từ việc Trung Quốc ủng hộ vòng trừng phạt của Liên hợp quốc với Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân năm 2013 đến vụ ban nhạc Triều Tiên được cử sang lưu diễn tại Trung Quốc đột ngột bỏ về nước giữa chừng... Trung Quốc cũng không bao giờ “bỏ rơi” Triều Tiên. Trung Quốc sẽ tiếp tục cam kết tìm kiếm giải pháp cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên thông qua đàm phán chứ không áp các biện pháp trừng phạt nặng.
Sau các vụ Triều Tiên thử hạt nhân, trước đó từng có nhiều lời kêu gọi Mỹ triển khai THAAD tại Hàn Quốc, tuy nhiên, Chính phủ hai nước đều phủ nhận. Một số chuyên gia cho rằng, thực chất Mỹ cũng muốn triển khai THAAD tới Hàn Quốc - nơi Mỹ đang có khoảng 28.500 binh lính đồn trú, củng cố sức mạnh cho Hàn Quốc trước các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Tuy nhiên, khả năng này đều bị gạt vì đó là vấn đề ngoại giao nhạy cảm khi Trung Quốc luôn coi đó mối đe dọa tới an ninh quốc gia.
Cựu phóng viên quốc tế của CNN, ông Mike Chinoy nhận định: “Nếu Trung Quốc quyết định thực sự phải làm gì đó để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, thì đây chính thời điểm để thực hiện“. Ông Chinoy cũng cho biết: “Thực chất, Triều Tiên cũng không ưa gì Trung Quốc... Họ không thích kiểu Trung Quốc vào nước họ, nói họ làm cái này, cái kia”…
Việt Nam ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên Hôm qua, trả lời phóng viên Báo Giao thông về việc Triều Tiên tiến hành thử bom nhiệt hạch, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định: “Lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, ủng hộ việc cấm thử hạt nhân toàn diện, không phổ biến hạt nhân và tiến tới giải trừ loại vũ khí này. Việt Nam quan ngại sâu sắc trước việc Triều Tiên tiến hành thử bom nhiệt hạch ngày 6/1/2016, vi phạm các Nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, làm gia tăng căng thẳng, đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực. Việt Nam kêu gọi các bên liên quan có các hành động thiết thực thúc đẩy hòa bình, ổn định trên Bán đảo Triều Tiên”. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận