Trung Quốc đang tăng cường quân sự tại biên giới với Triều Tiên |
Chiến đấu cơ Trung Quốc áp sát máy bay Mỹ
Diễn biến đáng chú ý mới nhất, ngày 25/7, hãng tin Reuters dẫn lời giới chức Mỹ yêu cầu được giấu tên cho biết, hai chiến đấu cơ của Trung Quốc đã đánh chặn một máy bay do thám EP-3E của Hải quân Mỹ trên biển Nhật Bản vào cuối tuần qua. Báo cáo ban đầu cho biết, máy bay J-10 của Trung Quốc tiến sát, chỉ cách khoảng 91m với máy bay EP-3E Aries của Mỹ, buộc máy bay Mỹ phải chuyển hướng. Nguồn tin cho hay, máy bay Trung Quốc được vũ trang và vị trí xảy ra xung đột thuộc không phận cách TP Thanh Đảo khoảng 148km.
Theo Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ), vụ áp sát giữa hai máy bay khá nguy hiểm, song phần lớn các tác động qua lại giữa hai bên vẫn nằm trong mức độ an toàn. Những vụ việc như sự việc lần này đang diễn ra tương đối thường xuyên giữa Trung Quốc - Mỹ theo Reuters. Tháng 5 vừa rồi, 2 máy bay Su-30 của Trung Quốc chặn một máy bay phát hiện phóng xạ của Mỹ, trong khi chiếc máy bay này đang bay trong không phận quốc tế trên biển Đông.
Vụ can thiệp trên không lần này diễn ra trong bối cảnh quân đội Mỹ tuyên bố sẽ sớm thực hiện một cuộc thử nghiệm Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tiếp theo. “Những cuộc thử nghiệm này được thực hiện như biện pháp thường xuyên để đảm bảo hệ thống THAAD luôn sẵn sàng và có thể phản ứng nhanh nhạy trước bất cứ sự kiện địa chính trị nào xảy ra”, Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Đại tá Jeff Davis cho biết.
Theo Giám đốc Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ, Thiếu tướng Sam Greaves, dự kiến cuộc thử nghiệm THAAD tới đây được thực hiện tại khu phức hợp sân bay vũ trụ Thái Bình Dương tại Alaska.
Mới tháng trước, Mỹ cũng thực hiện một cuộc thử nghiệm tương tự nhưng ở cấp chiến lược. Trong đó, hệ thống đánh chặn của quân đội Mỹ đã bắn rơi một tên lửa đạn đạo giả định đang bay tới lãnh thổ Mỹ. Loại tên lửa giả tưởng này tương đương với tên lửa do các nước như Triều Tiên phát triển.
Hiện nay, Mỹ đã triển khai một hệ thống THAAD tới nước đồng minh Hàn Quốc trong năm nay để phòng ngừa mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên. Động thái này của Mỹ khiến Trung Quốc tức giận, chỉ trích kịch liệt vì Bắc Kinh cho rằng, hệ thống radar mạnh của THAAD có thể dùng để đánh chặn tên lửa bố trí sâu trong lãnh thổ Trung Quốc.
Trung Quốc tăng cường quân sự dọc biên giới Triều Tiên
Một động thái đáng chú ý khác đó là quân đội Trung Quốc có thể đã tăng cường quân sự dọc biên giới với Triều Tiên, trùng với thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo cân nhắc hành động quân sự để kiềm chế chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, báo Wall Street Journal đưa tin ngày 25/7, theo giờ VN.
Wall Street Journal dẫn thông tin từ các trang web của Chính phủ và quân đội Trung Quốc cùng nguồn tin từ nhiều chuyên gia cho biết, Bắc Kinh đã xây dựng các boong-ke có khả năng chống trọi trước các vụ nổ hạt nhân, thành lập một lực lượng biên giới mới và giám sát khu vực biên giới miền núi 24/24h.
Những động thái chuẩn bị này nhằm phản ứng trước kịch bản tồi tệ nhất như nền kinh tế sụp đổ, ô nhiễm hạt nhân hoặc xung đột, tờ Wall Street Journal dẫn nhận định của các chuyên gia cho biết. Về phần mình, Chính phủ Trung Quốc không bình luận trước các thông tin trên.
Một quan chức từ Bộ Quốc phòng cho biết: “Các lực lượng này đang duy trì tình trạng huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu”. Ngoài ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: “Quân sự không nên là lựa chọn để giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên”.
Từ phía các chuyên gia, ông Mark Cozad, chuyên gia hiện đang làm việc tại Công ty Cố vấn Rand Corp, cho rằng, những sự chuẩn bị này đã vượt ra ngoài cấp độ cần có của khu vực vùng đệm tại biên giới. “Nếu tôi bắt buộc phải đặt cược điểm nóng nào là nơi Mỹ và Trung Quốc có thể rơi vào xung đột đầu tiên, thì theo tôi, đó không phải Đài Loan, biển Đông, biển Hoa Đông mà chính là bán đảo Triều Tiên”, chuyên gia này nhận định.
Về phía Mỹ, giới chức nước này không bình luận khi được hỏi về các động thái trên của Trung Quốc. Nhưng, các quan chức cấp cao Mỹ cho biết, họ tập trung vào các biện pháp gây áp lực kinh tế, ngoại giao, cực chẳng đã mới dùng tới phương án quân sự.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận