Mùa hè năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un lần đầu tiên cùng ngồi lại trong một cuộc họp lịch sử sau hàng thập kỷ đối đầu về vấn đề vũ khí hạt nhân.
Tưởng chừng như đây sẽ là khởi đầu cho một tương lai tươi sáng trên bán đảo Triều Tiên cũng như quan hệ Mỹ - Triều. Tuy nhiên, tất cả kỳ vọng gần như đã bị vùi dập sau loạt động thái thể hiện sự mất niềm tin hoàn toàn vào Washington gần đây của Bình Nhưỡng.
Lại lùi về “vạch xuất phát”
Triều Tiên bắt đầu nối lại thử nghiệm tên lửa từ tháng 5/2019. Cách đây chỉ vài ngày, Bình Nhưỡng tuyên bố đã thực hiện một cuộc thử nghiệm quan trọng và khẳng định cuối năm nay là hạn cuối cùng cho các cuộc đàm phán với Washington.
Bình Nhưỡng còn cảnh báo sẽ tặng Mỹ một “món quà Giáng sinh” đầy bất ngờ, thậm chí không ngần ngại dùng những lời lẽ chỉ trích mạnh mẽ với ông Trump.
Về phía mình, thời điểm gần đây, ông Trump gần như lu bu nhiều vấn đề trong và ngoài nước nên có lẽ đã lờ đi chủ đề Triều Tiên. Nhưng cuối tuần qua, đáp lại tuyên bố từ phía Triều Tiên, Trump chia sẻ qua Twitter, nhắc lại “Thỏa thuận Phi hạt nhân mạnh mẽ” tại Singapore nhưng cảnh báo Triều Tiên có thể mất tất cả nếu hành động theo phương hướng thù địch.
Ngay sau đó, đầu tuần này, quan chức Triều Tiên trong đó có ông Ri Su Yong, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Hàn Quốc cảnh báo ông Trump nên nghĩ kỹ nếu không muốn chứng kiến những hậu quả nghiêm trọng với Mỹ.
Trong một thông báo được đăng tải qua Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), ông Ri cho biết, Tổng thống Trump sẽ rất lo lắng khi biết điều Bình Nhưỡng đang suy nghĩ và rằng những bình luận gần đây của ông Trump là dấu hiệu cho thấy ông đang sợ hãi.
Thậm chí, ông Kim Yong Chol, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình châu Á - Thái Bình Dương của Triều Tiên còn gọi ông Trump là “ông già bất cẩn và thất thường”, theo KCNA.
Một bản tài liệu ngắn và thiếu chi tiết
Theo Washington Post, sở dĩ quan hệ Mỹ - Triều đã quay trở lại vạch xuất phát là bởi những cam kết giữa hai nước vẫn còn lỏng lẻo và chung chung. Trước khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim có cuộc gặp lịch sử, căng thẳng Mỹ - Triều từng tăng lên đỉnh điểm trong những năm đầu tiên ông Trump làm Tổng thống.
Lúc đó, Bình Nhưỡng thực hiện ít nhất 20 vụ thử tên lửa bao gồm tên lửa tầm xa, thử vũ khí hạt nhân mới. Tháng 8/2017, ông Trump cho biết, Bình Nhưỡng sẽ đối mặt với sự cuồng nộ mà thế giới chưa bao giờ được chứng kiến nếu tiếp tục đe dọa Mỹ.
Tuy nhiên, mọi căng thẳng đang đỉnh điểm gần như đã dịu hẳn sau cuộc gặp giữa hai lãnh đạo ở Singapore và hai bên đã ký văn bản đề ra các mục tiêu: Hoà bình, thịnh vượng, phi hạt nhân và một nghị quyết về Chiến tranh Triều Tiên. Văn kiện về các vấn đề vô cùng quan trọng này chỉ gói gọn trong hơn 400 từ và không hề có lời hứa nào chắc chắn về việc sẽ dừng thử hạt nhân.
Bên cạnh đó, dù nguyên thủ hai quốc gia đặt ra những mục tiêu quá lớn và thực hiện không ít cuộc họp cấp làm việc để chi tiết hóa các cam kết nhưng hết lần này qua lần khác các cuộc họp bị hủy hoặc kết thúc trong khó chịu.
Về các mục tiêu mà ông Trump và ông Kim đặt ra tại Singapore, tiến trình để hiện thực hóa rất hạn chế. Triều Tiên đã dừng thử nghiệm và chỉ phá hủy một phần khu thử nghiệm hạt nhân nhưng họ đã từng làm điều này trước cả khi gặp lãnh đạo Mỹ mà không có sự kiểm chứng từ quốc tế và sau đó nối lại cuộc thử nghiệm tên lửa tầm ngắn.
Đối với Mỹ, họ đã ngừng tập trận chung với Hàn Quốc nhưng lại từ chối dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trong khi đây mới chính là điều Triều Tiên cần nhất. Những hạn chế này đồng nghĩa Bình Nhưỡng và Hàn Quốc không có nhiều đất để bắt đầu các dự án liên Triều.Mặt khác, từ cuối tháng 7/2018, Mỹ đã nhận được 55 hộp chứa hài cốt của 55 binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên nhưng kể từ đó, những nỗ lực này đã đình trệ.
Hồi tháng 5, Lầu Năm Góc thông báo ngừng chiến dịch khôi phục thi hài các binh sĩ trong cuộc chiến Triều Tiên vì giới chức Mỹ không thể tiếp cận những người đồng cấp ở nước sở tại trong quá trình tìm kiếm.
Mục đích khác nhau
Bế tắc khiến Mỹ - Triều không thể đi tới đồng thuận chủ yếu liên quan tới sự khác biệt trong mục tiêu hướng tới của cả hai nước: Mỹ sẽ không từ bỏ các lệnh trừng phạt nếu Triều Tiên không từ bỏ vũ khí hạt nhân trong khi Bình Nhưỡng từ chối bỏ vũ khí hạt nhân cho đến khi họ nhận thấy có sự tiến triển trong việc xúc tiến dỡ các lệnh trừng phạt. Và điều này hoàn toàn không đơn giản.
Chẳng hạn, Mỹ có thể không ngần ngại hạ bớt lệnh trừng phạt với Triều Tiên nhưng họ lưỡng lự dỡ các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vì để áp lại các biện pháp hạn chế này không hề dễ dàng.
Triều Tiên đã đề nghị phá hủy khu thử hạt nhân quan trọng Yongbyon nhưng giới chức Mỹ nhận thấy chưa đủ. Trong suốt nhiều tháng, cả hai bên chỉ nói chứ ít hành động.
Theo Washington Post, việc Triều Tiên thề sẽ tặng “mobs quà Giáng sinh” cho Mỹ - một từ ám chỉ cuộc thử nghiệm tên lửa và vũ khí có thể do Bình Nhưỡng cân nhắc tới khung thời gian chính trị tại Mỹ.
Ông Trump chỉ còn chưa đầy 1 năm nữa là hết nhiệm kỳ Tổng thống trong khi khả năng cao chiến thắng cuộc bầu cử năm 2020 lại không cao. Có lẽ, Ông Kim lo ngại sẽ có sự thay đổi trên chính trường Mỹ kéo theo những thay đổi trong chính sách đối ngoại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận