Tổng thống Mỹ đã bất ngờ rút lại các lệnh trừng phạt mới ngày 22/3 đối với các tàu thuyền chuyển hàng hóa sang Triều Tiên. Điều này cho thấy động thái nhượng bộ rất đáng chú ý của ông Donald Trump đối với chính quyền Bình Nhưỡng sau sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng 2 vừa qua.
Dễ thở trong ngắn hạn
Theo tờ SCMP, việc không đạt được thỏa thuận trong cuộc đàm phán với hy vọng Hoa Kỳ sẽ nới lỏng các lệnh trừng phạt khiến Triều Tiên buộc phải trở lại với sự tự lực tự cường để phát triển kinh tế.
Giới phân tích chỉ ra rằng, có một số dấu hiệu cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên đặc biệt quan tâm đến việc xóa bỏ bao vây, cấm vận khi ông Kim Jong Un đã gắn kết tương lai của chính quyền với tăng trưởng kinh tế.
Các lệnh trừng phạt đã làm giảm nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu hải sản, than đá và quặng sắt của Bình Nhưỡng. Ngoài ra, tới cuối năm 2019, khi toàn bộ người lao động Triều Tiên ở nước ngoài bị trục xuất theo lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc, đất nước Đông Bắc Á sẽ lại bị mất thêm một nguồn thu ngoại tệ lớn.
Các báo cáo còn chỉ ra rằng, cấu trúc kinh tế Triều Tiên đang có dấu hiệu suy sụp do ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt. Năm 2018, xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc (vốn chiếm phần lớn thương mại của Triều Tiên) giảm 87% so với một năm trước đó. Xuất khẩu giảm đã dẫn đến nhiều vấn đề kinh tế khác, bao gồm thâm hụt thương mại ngày càng tăng, giảm lượng dự trữ ngoại tệ và tính thanh khoản.
Và dù đất nước này đã sớm tìm cách bù đắp các tác động kinh tế nêu trên bằng các nguồn lực dự trữ trước thì khi các lệnh trừng phạt kéo dài, Bình Nhưỡng sẽ ngày càng cảm nhận được những tác động mạnh mẽ hơn, khiến nước này phải nhập khẩu nhiều hơn mới có cơ sở để ổn định thị trường.
Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Hàn Quốc cho biết, những hàng nhập khẩu chủ yếu là hàng tiêu dùng từ Trung Quốc đã giúp Triều Tiên giữ tác động của lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với người dân ở mức tối thiểu nhằm tránh lâm vào tình cảnh hỗn loạn thị trường. Báo cáo của cơ quan này chỉ ra rằng, giá gạo tại Triều Tiên được ổn định ở mức 0,6-0,65 USD/kg (khoảng 15.000 VND/kg) trong vòng 12 tháng kể từ tháng 12/2017.
Theo Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI), cách tiếp cận này có thể đủ để Triều Tiên duy trì các tiêu chí tối thiểu điều hành nền kinh tế và tiếp tục nỗ lực trong ngắn hạn để vượt qua các thách thức kinh tế trước áp lực trừng phạt.
Ngoài ra, theo KDI, những phiên chợ jangmadang (được hình thành trong nạn đói những năm 1990) đã tạo thành xương sống của nền kinh tế Triều Tiên và phát triển đặc biệt mạnh tại biên giới với Trung Quốc. Những giao dịch này được thực hiện ngoài tầm kiểm soát của hệ thống ngân hàng và các biện pháp trừng phạt tài chính. Nhờ đó, đất nước Đông Bắc Á đã quản lý tác động của các lệnh trừng phạt cho đến nay.
Gian nan về lâu dài
Tuy nhiên, trong dài hạn, nếu các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc được tiếp tục duy trì và kiểm soát một cách nghiêm ngặt, Triều Tiên có thể chứng kiến việc sức mua và nguồn cung ngoại tệ giảm mạnh và cuối cùng gây bất ổn thị trường.
Theo báo cáo của KDI, Triều Tiên sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực lớn trong năm nay, dự kiến ở khoảng 1,4 triệu tấn lương thực. Điều này buộc người dân và các cơ quan chính quyền phải giảm 1/2 khẩu phần.
Tuy nhiên, theo ông Lee Yun-keol, người hiện đứng đầu Trung tâm thông tin chiến lược Triều Tiên ở Hàn Quốc, quy mô của các hoạt động buôn lậu từ Trung Quốc rất lớn. Lúa gạo được vận chuyển bằng những con tàu nhỏ và có khoảng 100 con tàu kiểu này tới Triều Tiên mỗi ngày, tương đương khoảng 500.000 tấn gạo có thể được nhập lậu hàng năm.
Dù vậy, Bình Nhưỡng cũng biết rằng việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc cũng gây ra những hạn chế đối với họ. Đây cũng có thể là lý do tại sao ông Kim rất muốn bình thường hóa quan hệ với Washington, ông Lee nhận xét.
Chuyên gia Zhao Tong về chính sách hạt nhân lại cho rằng nền kinh tế Triều Tiên có vẻ ổn định, nhưng không bền vững. Bởi sự hỗ trợ từ các nước láng giềng sẽ chỉ hạn chế, nhất là khi họ không muốn công khai vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Theo ông Zhao, Bình Nhưỡng đã tuột mất cơ hội lớn tại Hội nghị Thượng đỉnh Hà Nội vì Mỹ nắm giữ chìa khóa cho bất kỳ biện pháp trừng phạt quan trọng nào, trong khi các lệnh trừng phạt chính là động lực lớn để Bình Nhưỡng tiếp tục gắn bó với Washington.
Và một điều quan trọng nữa được GS. Ko Yu-hwan (từ Đại học Dongguk ở Seoul) chỉ ra là “nếu các lệnh trừng phạt không được dỡ bỏ, tham vọng kinh tế của ông Kim sẽ không thể thực hiện được”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận