Bên ngoài Đại sứ quán Triều Tiên tại Đức |
Theo hãng tin BBC, ông Hans-Georg Maassen, Giám đốc Nha tình báo Đức cho hay, Triều Tiên đã mua lại công nghệ cho các chương trình hạt nhân và vũ khí thông qua đại sứ quán Triều Tiên tại Berlin.
Ông Hans-Georg Maassen phát biểu trên NDR TV rằng nhiều hoạt động này đã bị cản trở, nhưng không phải tất cả đã bị phát hiện.
Quan chức tình báo Đức đã ko nói rõ loại công nghệ nào được mua, nhưng ông nói nó có thể được sử dụng cho mục đích dân dụng và quân sự.
Ông Maassen nói: “Chúng tôi nhận thấy có rất nhiều hoạt động mua sắm đã diễn ra từ Đại sứ quán Triều Tiên”.
“Theo quan điểm của chúng tôi, chúng được dùng cho chương trình tên lửa và một phần cho chương trình hạt nhân”, ông nói thêm.
Triều Tiên hiện vẫn chưa phản ứng lại những thông tin đưa ra từ ông Maassen.
Một cuộc điều tra riêng của đài truyền hình công cộng ARD cho biết cơ quan tình báo Đức lần đầu tiên nhận thấy những dấu hiệu của Triều Tiên đang cố gắng mua sắm công nghệ và thiết bị trong năm 2016 và 2017.
Trong khi đó, một nhóm chuyên gia của Liên hợp quốc đã tìm thấy bằng chứng cho thấy Triều Tiên đã được Syria giúp phát triển vũ khí hóa học cũng như cung cấp tên lửa đạn đạo cho Myanmar.
Những phát hiện này đến trong lúc những căng thẳng về những tiến bộ nhanh chóng của Triều Tiên trong các chương trình vũ khí hạt nhân và vũ khí đã đạt đến mức cao nhất trong nhiều năm.
Cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo mới nhất, vào ngày 29/11/2017, đã làm dấy lên một loạt các biện pháp trừng phạt mới từ Liên hợp quốc, nhằm vào các chuyến hàng vận chuyển xăng dầu và người Triều Tiên làm việc tại nước ngoài. Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế.
Một báo cáo của Liên hợp quốc ngày 2/2 cho biết, năm 2017 Triều Tiên thu về được gần 200 triệu USD bằng cách xuất khẩu hàng hoá bị cấm và liên quan đến một số nước như Trung Quốc, Nga và Malaysia.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận