Ngày 8/4, tờ Washington Post đưa tin, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đang tiến hành phá dỡ khách sạn mang tên Haegumgang.
Khách sạn này là một tài sản quan trọng giữa hàng chục cơ sở hạ tầng khác để phục vụ các chương trình du lịch thăm núi Kim Cương mà Hàn Quốc và Triều Tiên hợp tác thực hiện từ năm 1998, do đó, đây là một trong những biểu tượng chính cho sự gắn kết giữa hai miền trên bán đảo Triều Tiên.
Người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Cha Deok-cheol cho biết, Seoul rất lấy làm tiếc vì hành động đơn phương phá dỡ khách sạn nổi của Triều Tiên, kêu gọi Bình Nhưỡng ngồi lại bàn đàm phán để giải quyết những khác biệt liên quan tới khối tài sản này.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un thăm và chỉ đạo tại khu nghỉ dưỡng núi Kim Cương năm 2019. Ảnh - KCNA
Ông Cha cũng chưa rõ liệu Triều Tiên có phá huỷ các cơ sở hạ tầng khác tại khu nghỉ dưỡng núi Kim Cương hay không.
Những hình ảnh vệ tinh thương mại cho thấy công tác phá dỡ khách sạn nổi đã và đang được thực hiện trong nhiều tuần qua.
Theo ông Cha, Seoul đã sử dụng kênh liên lạc liên Triều để đề nghị Bình Nhưỡng giải thích và đàm phán về vấn đề này nhưng Triều Tiên không phản hồi. Hoạt động phá dỡ được thực hiện giữa lúc căng thẳng giữa hai miền leo thang vì các vụ thử tên lửa gần đây.
Hiện tại, Triều Tiên chưa lên tiếng bình luận.
Thực chất, có thông tin, Bình Nhưỡng đã dự định phá dỡ từ năm 2020 nhưng hoãn lại vì siết chặt các biện pháp phòng dịch Covid-19.
Trước khi trở thành biểu tượng của hai miền Triều Tiên, khách sạn nổi Haegumgang còn là biểu tượng một thời tại Tp. Hồ Chí Minh (Việt Nam).
Ban đầu, công trình khách sạn nổi đầu tiên trên thế giới là “đứa con tinh thần” của doanh nhân, thợ lặn chuyên nghiệp gốc Italy – ông Doug Tarca, sống tại thành phố Townsville, Queensland, Australia.
Trải qua nhiều sóng gió, khách sạn này được một chủ sở hữu người Italy bán cho công ty tại thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, trở thành một trong những khách sạn 5 sao đầu tiên của địa phương.
Khách sạn do công ty Southern Hotels của Australia điều hành, được neo tại bến Bạch Đằng trên sông Sài Gòn, đổi tên thành Saigon Hotel, trở thành điểm thu hút khách du lịch và người dân địa phương.
Khách sạn được đưa về sông Sài Gòn. Ảnh - Getty
Trong 5 năm đầu (1989 – 1994), nơi đây luôn nhộn nhịp khách qua lại, giá phòng 1 đêm là 355 USD và từng được lãnh đạo thành phố đặt làm nơi tiếp khách quốc tế hoặc các công ty, tập đoàn nước ngoài sử dụng làm nơi tổ chức sự kiện hội thảo quan trọng.
Số phận đưa đẩy, cuối cùng, khách sạn được bán cho Công ty Huyndai Asan, chuyên về du lịch, trực thuộc Tập đoàn Huyndai (Hàn Quốc) với giá còn hơn 1/3 (18 triệu USD).
Hyundai sửa chữa, nâng cấp và đổi tên thành Hotel Haekumgang, đưa tận tới Triều Tiên, phục vụ khách du lịch trên núi Kim Cương - một thắng cảnh ngay gần biên giới với Hàn Quốc.
Sau chuyến đi dài 4.500 km, Hotel Haekumgang được mở cửa vào tháng 10/2000, đón nhiều đoàn khách du lịch từ Hàn Quốc tới thăm núi.
Nhưng sau 1 sự kiện xảy ra năm 2008 dẫn đến mâu thuẫn sâu sắc giữa hai miền Triều Tiên, khách sạn này phải dừng hoạt động và nằm gỉ sét cho tới nay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận