Nằm giữa Hàn Quốc và Trung Quốc - hai quốc gia từng là tâm dịch Covid-19, Triều Tiên được dự đoán là một trong số những quốc gia có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới. Tuy nhiên, đến nay thông tin do Triều Tiên công bố lại nằm ngoài dự đoán.
Tại sao Triều Tiên không có ca nhiễm Covid-19?
Tính đến đầu tuần này, trong cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên do Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un điều hành, bàn về các biện pháp phòng chống dịch bệnh, Bình Nhưỡng khẳng định, họ không có bất cứ ca nhiễm virus Corona chủng mới nào.
Trong nghị quyết được thông qua sau cuộc họp, ban lãnh đạo Triều Tiên kêu gọi phải thực hiện các biện pháp mạnh hơn trên quy mô quốc gia để bảo vệ cuộc sống và an toàn cho dân tộc trước khủng hoảng toàn cầu..
Mặc dù vậy, theo tình báo Mỹ, “gần như chắc chắn”, Triều Tiên cũng phải có ít nhất vài ca nhiễm vì hiện nay, lực lượng binh lính làm nhiệm vụ canh gác tại nhiều khu vực công cộng ở Bình Nhưỡng đã giảm đi rất nhiều.
Nhưng kể cả vậy, đây cũng là diễn biến khá bất ngờ so với dự đoán ban đầu của giới chức trên thế giới. Bình Nhưỡng nằm giữa Trung Quốc và Hàn Quốc - hai quốc gia từng là tâm dịch Covid-19 đầu tiên trên toàn cầu. Đồng thời, nước này có hoạt động giao thương tích cực với Trung Quốc - nơi bùng phát dịch đầu tiên. Do đó, khả năng lây lan rất cao.
Một phần làm nên thành công của Triều Tiên có lẽ là do nước này luôn hạn chế mở cửa giao thương với các quốc gia khác và những biện pháp phòng ngừa ngay từ khi Bắc Kinh có những ca nhiễm đầu tiên: Bình Nhưỡng lập tức đóng cửa biên giới, áp dụng triệt để biện pháp phòng ngừa.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, tính đến ngày 2/4, có 709 người, gồm 698 công dân Triều Tiên và 11 người nước ngoài, đã được xét nghiệm Covid-19 tại nước này và hơn 24.800 người hoàn thành cách ly.
Thời cơ kiếm hàng triệu USD
Khi dịch bệnh bùng nổ, Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều quốc gia có ngành công nghiệp may mặc lớn phải hạn chế hoạt động sản xuất tại các nhà máy để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Đây chính là cơ hội vàng để Bình Nhưỡng có thể tận dụng tăng cường sản xuất, củng cố vai trò của nước này trong chuỗi cung ứng tương lai, kiếm thêm ngoại tệ để dự chi và chi dùng cho những mặt hàng thiết yếu, quan trọng khác.
Một trong những ngành chủ đạo mà Bình Nhưỡng có thể tận dụng cơ hội từ dịch Covid-19 đó là dệt may. Lâu nay, chấp các lệnh trừng phạt khắc nghiệt, ngành công nghiệp dệt may mang về cho Triều Tiên khoảng 725 triệu USD trong năm 2016, chiếm phần đáng kể trong nền kinh tế toàn quốc.
Trong bài viết đăng tải trên tờ Bưu điện Hoa Nam, nhà báo Melissa Twigg dẫn nhiều nguồn tin cho rằng, Triều Tiên thường hợp tác với Trung Quốc để “chuyển hoá” các sản phẩm sản xuất ở Triều Tiên thành hàng “Made in China”. Chẳng hạn, nhiều nhà máy ở TP Dandong- trung tâm sản xuất hàng may mặc của Trung Quốc, thường chuyển hàng qua sông Yalu tới các các nhà máy ít được biết đến tại TP Sinuiji (Triều Tiên) để “chuyển hóa” các sản phẩm rồi sau đó đưa trở lại đại lục.
Theo cách đó, nhà sản xuất có thể tiết kiệm tới 75% chi phí sản xuất nhờ nhiều nhà máy ở Triều Tiên thuộc sở hữu của nhà nước và chi phí nhân công thấp hơn Trung Quốc khoảng 1/4.
Ngược lại, nhân công Triều Tiên có thêm thu nhập để trang trải. Lao động Triều Tiên lại được đánh giá là rất chăm chỉ, kỷ luật và tạo được năng suất trung bình cao hơn 30% so với công nhân Trung Quốc vì thời gian làm việc dài, điều kiện làm việc khắc nghiệt hơn.
Một doanh nhân người Triều Tiên gốc Trung Quốc đang làm việc ở cả hai đầu biên giới chia sẻ: “Giới doanh nhân Trung Quốc không thích lao động bản địa vì họ chỉ làm vì tiền. Còn người Triều Tiên họ làm việc với thái độ khác, đó là niềm tin làm việc vì đất nước, vì lãnh tụ”.
Một số nguồn tin tại Dandong cho biết, không riêng Trung Quốc, những đại lý chuyên nghiệp thường làm việc với cả các đối tác đặt hàng từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và Nga muốn giảm tối đa chi phí chuỗi cung ứng.
Một vài năm trước, Rip Curl - nhãn hiệu trang phục thể thao và bãi biển của Australia từng phải xin lỗi công khai vì không trung thực sau khi vỡ lở chuyện lô trang phục trượt tuyết của họ được sản xuất tại Triều Tiên rồi gắn mác “Made in China” và đem đi phân phối.
Rip Curl khẳng định, họ không biết gì về mối quan hệ này và đổ lỗi cho nhà cung cấp Trung Quốc đã thuê đối tác bên ngoài không chính thống. “Trung Quốc đã và đang sử dụng lao động Triều Tiên tại Dandong từ nhiều năm nay. Theo một số báo cáo mà tôi đã đọc, lao động còn được chuyển qua biên giới từ Triều Tiên vào Trung Quốc nhưng được trả lương thấp hơn người lao động bản địa”, ông Gerhard Flatz, Giám đốc quản lý nhà sản xuất quần áo thể thao KTC tại Quảng Đông, cho hay.
Dù cơ hội rất lớn nhưng Triều Tiên vẫn tồn tại nhiều rào cản về địa chính trị khiến hầu hết nhãn hiệu quốc tế không thể tiếp cận ý tưởng hợp tác chính thức.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận