Trong thông cáo được đăng tải ngày 13/9, Bộ Ngoại giao Triều Tiên kêu gọi tăng cường hợp tác giữa các nước đang phát triển, xóa bỏ thực trạng mà Bình Nhưỡng cho là trật tự kinh tế quốc tế “lỗi thời và không công bằng” do Mỹ và phương Tây đặt ra, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các quốc gia và dân tộc ở phía Nam bán cầu.
Trong thông cáo bằng tiếng Anh, Bộ Ngoại giao Triều Tiên viết: “Trước đây, tăng trưởng và tiến bộ kinh tế - xã hội ở các nước đang phát triển bị cản trở rất nhiều bởi trật tự kinh tế quốc tế cũ do Mỹ và phương Tây đặt ra nhằm phục vụ lợi ích của họ. Tăng cường hợp tác Nam - Nam là con đường để các nước đang phát triển xóa bỏ trật tự kinh tế quốc tế lỗi thời và không công bằng, đồng thời xóa bỏ ách thống trị kinh tế và chính trị của Mỹ và phương Tây".
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.
"Nước Cộng hòa (Dân chủ Nhân dân Triều Tiên) của chúng tôi, trong quá khứ cũng như tương lai, sẽ nỗ lực hết sức để tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị và hợp tác với tất cả các nước đang phát triển trên toàn thế giới”, cũng theo thông cáo.
Hiện tại, Mỹ và phương Tây đã và đang áp đặt rất nhiều biện pháp trừng phạt với Triều Tiên liên quan tới các vụ phóng tên lửa của nước này.
Gần đây nhất, ngày 27/5, Mỹ thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt mới liên quan các vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên, trong đó có một công ty của Triều Tiên, một công dân Triều Tiên và hai ngân hàng Nga.
Thông báo của Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ lệnh trừng phạt mới của nước này nhằm vào Tập đoàn thương mại Air Koryo cùng Ngân hàng Viễn Đông và Ngân hàng Sputnik của Nga.
Bộ Tài chính Mỹ lý giải những thực thể này đã hỗ trợ tài chính cho việc mua sắm và tạo doanh thu cho các tổ chức của Triều Tiên. Danh sách trừng phạt Mỹ cũng bao gồm một công dân Triều Tiên, với lý do nhân vật này đã hỗ trợ các tổ chức của Triều Tiên phát triển tên lửa đạn đạo.
Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách vấn đề khủng bố và tình báo tài chính Mỹ Brian Nelson khẳng định Washington sẽ tiếp tục thực thi và áp đặt các biện pháp trừng phạt hiện hành song song với việc hối thúc Triều Tiên quay trở lại con đường bàn đàm phán và từ bỏ chương trình hạt nhân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận