Cũng theo KCNA, nước này đang trải qua một đợt sốt không rõ nguồn gốc bùng phát trên toàn quốc kể từ cuối tháng 4. Ước tính, tổng cộng khoảng 350.000 người có những dấu hiệu sốt như vậy. Trong số đó, khoảng 162.200 người đang được điều trị cách ly.
Riêng trong ngày 12/5, đã phát hiện hơn 18.000 trường hợp sốt không rõ nguồn gốc, nâng tổng số người được cách ly và điều trị lên khoảng 187.800 người.
Song, KCNA không cho biết cụ thể bao nhiêu người bị sốt kể trên có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Chủ tịch Triều Triên Kim Jong-un thăm trụ sở trung tâm ngăn ngừa dịch bệnh khẩn cấp Quốc gia. Ảnh - KCNA
Cũng theo KCNA, ít nhất 6 người có triệu chứng sốt đã tử vong; 1 trong số đó là người được xác nhận nhiễm biến chủng Omicron ngày hôm qua (12/5).
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã trực tiếp tới thăm trung tâm điều phối chống dịch bệnh để kiểm tra tình hình và những phản ứng sau khi ông tuyên bố tình hình khẩn cấp quốc gia nghiêm trọng nhất, ra lệnh phong toả toàn quốc.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên đánh giá, việc để lây lan đồng thời dịch sốt ở khu vực thủ đô - khu vực trung tâm cho thấy sự yếu kém trong hệ thống ngăn ngừa dịch bệnh Triều Tiên đã thiết lập, cũng theo KCNA.
Ông Kim nhấn mạnh cần đặt việc cách ly và điều trị tích cực đối với những người bị sốt lên ưu tiên hàng đầu, đồng thời chỉ đạo nhanh chóng đánh giá lại phương thức điều trị khoa học và tăng cường các biện pháp để cung cấp vật tư y tế, thuốc men.
Trong một bản tin khác, KCNA cho viết giới chức y tế đang nỗ lực tổ chức các hệ thống xét nghiệm và điều trị, tăng cường công tác khử khuẩn.
Các nước thể hiện sẵn sàng hỗ trợ nhân đạo
Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp tại Triều Tiên, các nước Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc đều thể hiện sẵn sàng hỗ trợ nhân đạo.
Mới nhất, sau khi Triều Tiên thông báo phát hiện tới 18.000 người bị sốt không rõ nguyên nhân chỉ trong 1 ngày 12/5, từ Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, nước này rất ủng hộ việc cung cấp vaccine Covid-19 cho Triều Tiên.
“Chúng tôi quan ngại tình hình dịch bệnh có thể ảnh hưởng tới người dân Triều Tiên và tiếp tục ủng hộ cung cấp vaccine cho Triều Tiên”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
COVAX (viết tắt của Covid-19 Vaccines Global Access) là một cơ chế nhân đạo được sáng lập nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận vắc xin nhanh chóng và bình đẳng giữa các quốc gia trên toàn thế giới.
Trước khi Triều Tiên công số ca bị sốt không rõ nguyên nhân cao chót vót, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cũng khẳng định, Mỹ chưa có kế hoạch cung cấp vaccine tới Triều Tiên từ nguồn cung của riêng nước này nhưng ủng hộ hoạt động cung cấp vaccine từ cộng đồng quốc tế như chương trình COVAX.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington ủng hộ và khuyến khích những nỗ lực của Mỹ cùng các tổ chức y tế, viện trợ quốc tế để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh tại Triều Tiên cũng như cung cấp các hình thức hỗ trợ nhân đạo khác cho những nhóm dễ tổn thương tại đất nước Đông Á này.
Trong suốt 2 năm dịch bệnh, Bình Nhưỡng từ chối tất cả các chương trình vaccine dù nguồn cung là từ Tổ chức Y tế Thế giới, Trung Quốc hay Nga – và nỗ lực ngăn dịch bệnh bằng cách đóng cửa biên giới.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Bình Nhưỡng phối hợp với các tổ chức kể trên để nhanh chóng tiêm phòng cho người dân.
“COVAX đã và đang là cơ chế để quyết định phân bổ hàng tỉ liều vaccine Pfizer phần lớn do Mỹ ủng hộ. Nếu COVAX phân bổ vaccine tới Triều Tiên, chúng tôi sẽ ủng hộ như đã thực hiện với các thành viên thuộc Liên minh châu Phi và nhóm 92 nền kinh tế thu nhập thấp.
Trước đó, Mỹ cam kết sẽ đóng góp hơn 1 tỉ liều vaccine Covid-19 tính đến năm 2023.
Từ phía Trung Quốc, ngay sau Bình Nhưỡng chính thức xác nhận ca Covid-19 đầu tiên và tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất và đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết: “Chúng tôi chia sẻ với Triều Tiên về tình hình bùng phát dịch hiện tại ở nước này”.
Ông Triệu khẳng định: Với tư cách là nước láng giềng, hữu nghị của Triều Tiên, Trung Quốc sẵn sàng ủng hộ và hỗ trợ toàn diện đối với Triều Tiên trong cuộc chiến chống dịch bệnh.
Song người phát ngôn Trung Quốc không đề cập chi tiết về việc ủng hộ vaccine, trang thiết bị y tế cho Triều Tiên.
Tại Hàn Quốc, khi được hỏi về việc liệu chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cân nhắc hỗ trợ y tế, chống dịch cho Triều Tiên, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết: Viện trợ nhân đạo có thể được miễn trừ (khỏi lệnh trừng phạt).
Đồng nghĩa, về lý thuyết, Hàn Quốc có thể hỗ trợ nhân đạo với Triều Tiên trong cuộc chiến chống dịch.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cam kết sẽ cung cấp hỗ trợ nhân đạo vô điều kiện cho Triều Tiên bao gồm hỗ trợ khẩn cấp chống dịch Covid-19 nếu Triều Tiên chấp nhận.
Cập nhật thông tin liên quan tới đợt dịch sốt không rõ nguyên nhân và dịch Covid-19 đầu tiên tại Triều Tiên:
>> Phát hiện ca nhiễm Omicron đầu tiên, Bộ Chính trị Triều Tiên họp khẩn
>> Triều Tiên phong tỏa toàn quốc sau khi phát hiện ca Covid-19 đầu tiên
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận