Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-Un trực tiếp chỉ đạo vụ bắn tên lửa đạn đạo (ảnh được thông tấn Triều Tiên cung cấp ngày 6/9) |
Những hành động không thể lường trước của Triều Tiên thời gian gần đây trở thành mối đe dọa đối với các nước trong khu vực như: Nhật Bản, Hàn Quốc... trong khi Liên hợp quốc (LHQ) gần như bất lực trước việc kiềm chế nước này.
Cần biện pháp “sáng tạo hơn”
Sau vụ thử hạt nhân lần thứ 5 ngày 9/9 còn đang làm cả thế giới choáng váng, hôm qua (12/9), Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã sẵn sàng thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ 6 bất cứ lúc nào. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang-gyun nói: “Đánh giá từ cơ quan tình báo Hàn Quốc và Mỹ cho thấy, Triều Tiên luôn sẵn sàng thực hiện thêm các vụ thử hạt nhân tại Punggye-ri bất cứ lúc nào”. Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho, nhà cựu đàm phán hạt nhân đang có mặt tại Bắc Kinh (Trung Quốc) tới thăm Đại sứ quán Triều Tiên ở nước này, theo Kyodo. Tới đây, ông Ri sẽ rời Bình Nhưỡng đến New York để tham dự cuộc họp tại Hội đồng Bảo an LHQ trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang gây sức ép rất lớn với nước này về chương trình hạt nhân.
Sau vụ thử hạt nhân lần thứ 5, Mỹ và Hàn Quốc đang thúc đẩy LHQ đưa ra các lệnh trừng phạt mạnh tay hơn nữa để ép Triều Tiên phải kiềm chế thử nghiệm hạt nhân. Riêng Mỹ tuyên bố sẽ áp lệnh trừng phạt riêng ngoài lệnh trừng phạt của LHQ và các nước đồng minh.
Nga và Trung Quốc, vốn đều ủng hộ các lệnh trừng phạt mạnh tay nhất được LHQ đưa ra hồi tháng 3 vừa qua sau vụ thử hạt nhân vào tháng 1 của Triều Tiên. Lần này, cả hai nước đều hoài nghi về tác dụng của các lệnh trừng phạt mới. Hôm 10/9, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết, cần phải có phản ứng “sáng tạo hơn” mới ngăn chặn được Triều Tiên. Sau đó, ngày 12/9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, riêng lệnh trừng phạt thôi là không đủ để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên và những hành động đơn phương chỉ dẫn đến cái kết chết chóc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh chỉ trích, “gốc rễ vấn đề” nằm ở phía Mỹ chứ không phải Trung Quốc. Chính Washington bác bỏ việc ký hiệp ước hòa bình với Bình Nhưỡng trong khi Bắc Kinh có rất nhiều nỗ lực nhằm duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, bà Oánh nói.
Khó ép Trung Quốc gây áp lực lên Triều Tiên
Trong vấn đề Triều Tiên, các chuyên gia đều khẳng định, Trung Quốc - đối tác thân thiết nhất của nước này - phản ứng ra sao mới là quan trọng nhất. Nhưng Mỹ khó có thể trông đợi nhiều từ phía Bắc Kinh sẽ gây áp lực lên Trung Quốc. Bởi, những hành động gia tăng khiêu khích của Bình Nhưỡng thời gian gần đây đều nhằm “trả đũa” việc Mỹ - Hàn quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) nhằm chống lại hiểm họa duy nhất từ Triều Tiên. Bản thân Bắc Kinh nhiều lần thể hiện sự không hài lòng với động thái này và cho rằng, đây là mối đe dọa tới an ninh nước này vì tầm radar của THAAD quét qua cả lãnh thổ Trung Quốc.
Trong bài bình luận của Xinhua, hãng tin Trung Quốc bày tỏ rất sốc và cho rằng, hành động này là không khôn ngoan và đổ thêm dầu vào lửa nhưng cũng không quên chỉ trích thêm rằng: “Hàn Quốc phớt lờ sự phản đối mạnh mẽ từ các nước láng giềng và quyết tâm triển khai hệ thống THAAD. Đây là hành động hoàn toàn đi ngược lại với những nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, gây tổn hại nghiêm trọng tới cân bằng chiến lược trong khu vực và làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo”.
Reuters dẫn lời một quan chức phương Tây cấp cao đang làm việc tại Bắc Kinh, từng có thời gian công tác tại Bình Nhưỡng giấu tên cho rằng, thực chất, Trung Quốc không có tác động nhiều tới Triều Tiên. “Người dân Triều Tiên không thích Trung Quốc và không có chuyện nghe lời Trung Quốc”.
Mặt khác, Trung Quốc đang không hài lòng với Mỹ về việc nước này có quan điểm đối lập với Bắc Kinh trong vấn đề biển Đông. Ông Jin Qiangyi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên và Hàn Quốc thuộc Đại học Yanbian (Trung Quốc) nhận định: Trung Quốc không hài lòng với Mỹ về vấn đề biển Đông nên “Chúng tôi không thể hoàn toàn hợp tác với Mỹ và cũng không chịu sự sai bảo của Mỹ”. Tuy nhiên, theo ông Jin: “Trung Quốc không có nhiều lựa chọn trong phản ứng với Triều Tiên vì các động thái đi ngược với nghị quyết của LHQ về vũ khí hạt nhân. Nếu Triều Tiên bỏ ngoài tai, dĩ nhiên chúng tôi có thể gây áp lực, sử dụng các lệnh trừng phạt để giải quyết. Nhưng trong trường hợp lệnh trừng phạt cũng không có ích, liệu chúng tôi có thể làm gì hơn? Câu trả lời là: Không”.
Ngày 12/9, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye nhận định: Triều Tiên đang cảnh báo sẽ thực hiện các hoạt động khiêu khích hơn nữa, tiềm ẩn mối nguy hiểm về chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên và nhiều loại hành động khiêu khích cùng tấn công khủng bố khác nhau có thể xảy ra”. Hôm nay (13/9), Mỹ sẽ triển khai máy bay ném bom B-1B tới Hàn Quốc nhằm phô trương lực lượng; Trong khi đó, Hàn Quốc cân nhắc mua 20 máy bay chiến đấu tàng hình F-35A để tăng cường khả năng chiến đấu của không lực nước này trước các mối đe dọa từ Triều Tiên. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận