Người dân Hàn Quốc theo dõi bản tin thông báo Triều Tiên thử nghiệm bom nhiệt hạch. |
Ngày 6/1, Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công bom H (hay còn gọi là bom nhiệt hạch) trong vụ thử hạt nhân thứ tư tại khu thử nghiệm ngầm dưới lòng đất Punggye-ri. Vụ thử nghiệm gây ra một cơn địa chấn 5,1 độ richter.
“Có bom hạt nhân, Mỹ không dám tấn công”
Vụ thử nghiệm diễn ra trước thềm sinh nhật nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (8/1/1983). Cơ quan Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) thông báo: “Chúng tôi đã trở thành quốc gia hạt nhân, đồng thời sở hữu bom nhiệt hạch” trong không khí ăn mừng của người dân Bình Nhưỡng, phóng viên AP có mặt tại Bình Nhưỡng cho biết.
Dù không biết bom nhiệt hạch là gì nhưng Kim Sok Chol (32 tuổi) xem thông báo trên truyền hình tại sân ga rất hào hứng: “Kể từ khi sở hữu hạt nhân, Mỹ không dám tấn công chúng tôi. Tôi nghĩ, việc chúng tôi thử thành công bom H là một sự kiện trọng đại của dân tộc”. Cô Ri Sol Yong (22 tuổi, sinh viên đại học) cho biết, vụ thử nghiệm này khiến chúng tôi “thêm lòng tự hào dân tộc”.
Bom nhiệt hạch hay còn được gọi là bom kinh khí, bom hydro hay bom H. Đây là loại vũ khí hạt nhân tạo ra năng lượng khổng lồ từ quá trình tổng hợp hạt nhân (nhiệt hạch). Bom nhiệt hạch có sức công phá gấp hàng nghìn lần bom nguyên tử. |
Sức mạnh của vụ nổ khiến Cơ quan Khí tượng Mỹ ban đầu hiểu nhầm là động đất mạnh 5,1 độ richter. Trung tâm Hệ thống động đất Trung Quốc (CENC) đo được chấn động mạnh 4,9 độ richter gần khu vực thử nghiệm. Người dân sống gần khu vực biên giới Trung Quốc - Triều Tiên cảm nhận rõ dư chấn. Sân của một trường học tại TP Yanji, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc bị nứt khiến nhà trường phải sơ tán học sinh.
Cách đây không lâu, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un từng tuyên bố Bình Nhưỡng sở hữu bom H và sẵn sàng dùng loại bom này để bảo vệ chủ quyền và phẩm giá dân tộc. Bình Nhưỡng đã 3 lần thử nghiệm hạt nhân trước đó tại khu thử nghiệm Punggye-ri: Vụ thử ngày 9/10/2006 - Địa chấn: 4,3 độ richter; Vụ thử ngày 25/3/2009 - Địa chấn: 4,7 độ richter; Vụ thử ngày 12/2/2013 - Địa chấn: 5,1 độ richter.
Cực lực lên án
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye hôm qua đã triệu tập Hội đồng An ninh quốc gia. Mở đầu buổi họp, bà Park nói: Sẽ bắt Triều Tiên phải đối mặt với những biện pháp trừng phạt tương ứng dựa trên hợp tác với cộng đồng quốc tế”.
Bà Park chỉ trích: “Đó không chỉ là hành động khiêu khích nghiêm trọng tới an ninh quốc gia mà còn là hành động đe dọa tới mạng sống và tương lai Hàn Quốc. Ngoài ra, vụ thử trực tiếp thách thức hòa bình và ổn định thế giới”. Bà Park yêu cầu quân đội nước này tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ để đối phó với bất cứ hành động khiêu khích nào từ phía Triều Tiên và yêu cầu cơ quan chức năng phân tích nhanh và chính xác về tuyên bố thực hiện vụ thử nghiệm bom nhiệt hạch của Triều Tiên.
Đây là hồi chuông cảnh tỉnh đối với cộng đồng quốc tế. Hành động này vi phạm quy tắc quốc tế, là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế”. Ông Lassina Zerbo, người đứng đầu Tổ chức Hiệp ước cấm thử nghiệm hạt nhân toàn diện |
Cùng ngày, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby khẳng định: “Mỹ không chấp nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân”. Đồng thời, “chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ và ủng hộ các đồng minh của chúng tôi trong khu vực bao gồm Hàn Quốc. Chúng tôi sẽ có phản ứng thích đáng với mọi hành vi khiêu khích từ Triều Tiên”.
Còn bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc (vốn được cho là đồng minh thân cận với Triều Tiên) tuyên bố “kiên quyết phản đối” vụ thử mà phía Trung Quốc không được thông báo trước này. Bà Hoa cho biết, sẽ “trao công hàm phản đối chính thức” cho Triều Tiên và sẽ phối hợp với cộng đồng quốc tế về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Động thái của Triều Tiên khiến nhiều nước như Nhật, Pháp, Anh, Australia… chỉ trích mạnh mẽ, cho đây là “hành động vi phạm không thể chấp nhận” các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.
Hội đồng Bảo an LHQ khẩn cấp triệu tập một cuộc họp kín 23 giờ ngày 6/1 (theo giờ VN) để thảo luận về động thái gây căng thẳng này, theo Reuters. Tuy nhiên, theo Yonhap, Cơ quan Tình báo Hàn Quốc cho rằng, thiết bị mà Triều Tiên thử có khả năng không phải là bom H. Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc cũng cho hay, không phát hiện bất cứ phóng xạ nào sau tuyên bố thử nghiệm. Hiện, Trung Quốc vẫn đang phân tích để xác định xem liệu đây có phải là vụ thử bom H không. Mỹ thì cho rằng, hiện vẫn quá sớm để khẳng định tuyên bố này.
Về phía các chuyên gia, theo ông Bruce Bennett, nhà phân tích quốc phòng cấp cao thuộc Tập đoàn Rand (Mỹ): “Triều Tiên rất khó để có thể làm chủ những công nghệ dù chỉ là cơ bản của vũ khí phân hạch, nếu không có sự hỗ trợ từ các chuyên gia bên ngoài”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận