Thế giới

Triều Tiên xoay xở thế nào trước những đòn trừng phạt mới?

06/09/2019, 06:45

Nhiều chuyên gia vẫn tin rằng, Bình Nhưỡng vẫn tìm được những lỗ hổng để tăng nguồn ngoại tệ khi bị cấm vận.

img
Những bức tranh tại một phòng trưng bày nghệ thuật Triều Tiên tại Dandong, Trung Quốc

Triều Tiên đang bị bủa vây bởi hàng loạt các lệnh trừng phạt từ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) cùng các nước trên thế giới nhằm triệt tiêu dòng tiền từ nước ngoài vào quốc gia này để hạn chế Bình Nhưỡng phát triển chương trình tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin rằng, Bình Nhưỡng vẫn tìm được những lỗ hổng để tăng nguồn ngoại tệ.

Tận dụng lỗ hổng về du lịch

Giá trị thương mại của Triều Tiên năm 2018 đã giảm xuống mức thấp nhất. Tổng giá trị thương mại của Triều Tiên, trừ thương mại song phương với Hàn Quốc, lao dốc 49% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 2,84 tỉ USD trong năm 2018, theo số liệu từ Cơ quan Thúc đẩy Đầu tư - Thương mại Hàn Quốc (KOTRA).

Ước tính từ Ngân hàng Hàn Quốc, tổng sản phẩm quốc nội thực tế của Triều Tiên đã giảm 4,1% trong năm 2018 so với năm trước đó. Đây thực sự là mức sụt giảm lớn nhất trong 2 thập kỷ.

Vì các lệnh trừng phạt, các mặt hàng xuất khẩu chính của Triều Tiên là dệt may và than đã giảm hơn 90% so với đầu năm ngoái. Chủ một công ty xây dựng có trụ sở tại Liêu Ninh, Trung Quốc, từng đến công tác tại Bình Nhưỡng hồi tháng 7 cho biết, rất nhiều con đường tại trung tâm Bình Nhưỡng gần như không được bảo trì, nhiều ngôi nhà xây dựng dở dang.

Để vượt qua thực trạng này, Triều Tiên đã và đang gấp rút thiết lập các trung tâm phát triển và thương mại với mong muốn dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của LHQ.

Bên cạnh đó, dù giá trị xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc - đối tác giao thương chính đại diện 95,8% giá trị thương mại của Triều Tiên - đã giảm một nửa trong năm 2018 vì các lệnh trừng phạt nhưng Bình Nhưỡng vẫn coi khu vực biên giới giáp Trung Quốc là đường cứu sinh về kinh tế.

Tháng 11/2018, ông Kim tới thăm TP Sinuiju giáp Trung Quốc và ra lệnh cho chính quyền địa phương phải trình kế hoạch phát triển thành phố quy mô lớn trong vài tháng tới bao gồm xây dựng một sân bay quốc tế cùng một công viên giải trí. Đó là bởi du lịch không nằm trong lệnh trừng phạt của LHQ. Hơn nữa, thu hút khách du lịch nước ngoài là phương thức kiếm ngoại tệ nhanh nhất.

Tiếp đó, tháng 6 năm nay, ông Kim cũng tới thăm TP Manpho cũng giáp với Trung Quốc và ra lệnh phải lên kế hoạch phát triển thành phố mới sau khi một cây cầu mới kết nối Manpho và TP Jilin của Trung Quốc, bắc qua sông Yalu vừa khánh thành hồi tháng 4.

Hai mặt hàng xuất khẩu mới nổi

Ngoài du lịch và thúc đẩy giao thương, Bình Nhưỡng còn tăng cường xuất khẩu các mặt hàng tranh và tóc giả sang Trung Quốc.

Trong một bài viết, tờ Nikkei cho biết, Triều Tiên đang trông mong vào xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp nhẹ không nằm trong các lệnh trừng phạt, sang Trung Quốc. Ví dụ, một số mẫu tóc, lông mi giả và tóc người thật, tóc nhân tạo đã được chuyển từ Trung Quốc sang Triều Tiên để công nhân ở đây có thể làm tóc giả và lông mi giả bằng tay.

Một công nhân có thể làm 1,5 bộ tóc giả/ngày; Dù giá dao động của một bộ tóc giả chỉ khoảng 1,95 USD nhưng nó vẫn là nguồn thu nhập đáng giá đối với Triều Tiên.

Xuất khẩu tóc giả cùng một số sản phẩm khác, tất cả đều sang Trung Quốc đã tăng vọt 159,3% trong năm 2018, theo số liệu từ Cơ quan Thúc đẩy đầu tư và thương mại Triều Tiên.

Ngoài phụ kiện về làm đẹp trên, Triều Tiên còn có một nguồn thu nhập khác là sáng tác tranh. Tại Triều Tiên, các nghệ sĩ đều được chọn lọc tuỳ vào kỹ thuật và sáng tạo tranh để xuất khẩu.

Studio Nghệ thuật Mansudae có trụ sở tại Bình Nhưỡng đã xuất khẩu rất nhiều bức họa về động vật và phong cảnh tới Trung Quốc, Malaysia và Campuchia.

Tại studio này, khoảng 800 nhân viên sáng tạo 5 bức tranh/tháng. Mỗi nhân viên kiếm được trung bình 800 nhân dân tệ/bức, tổng cộng khoảng 4.000 nhân dân tệ/tháng. Tranh đều được bán tại các thị trấn Hunchun và Yanji của Trung Quốc, giáp với Triều Tiên.

Tại Dandong, một chủ phòng trưng bày nghệ thuật Trung Quốc đang bận rộn chuẩn bị để mở cửa hàng mới dự kiến trong tháng 9 này. Phòng trưng bày 3 tầng có khoảng 290 bức vẽ đến từ Triều Tiên. Hiện tại đang có khoảng 10 phòng trưng bày nghệ thuật các bức vẽ từ Triều Tiên tại Dandong và con số này đang trên đà tăng trưởng.

Các bức vẽ có xuất xứ từ bán đảo ở Đông Á này được bán với giá khoảng vài nghìn đến hàng chục nghìn nhân dân tệ/bức. Tuy giá trị chỉ bằng 1/10 các bức vẽ của những nghệ sĩ Trung Quốc nhưng chất lượng rất cao - một đại diện phòng trưng bày nghệ thuật chia sẻ.

Một đại diện cho công ty tham gia vào thương mại Trung - Triều cho biết, Triều Tiên tích cực bán tranh trong vài năm trở lại đây và khá nổi tiếng ở nước ngoài.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.