Chiều 17/2, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại hội trường về phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024 – 2026 của Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình.
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình cho biết, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) được giao nhiệm vụ đầu tư, phát triển và quản lý, bảo trì hệ thống đường cao tốc quốc gia, làm chủ đầu tư 5 dự án đường cao tốc với tổng chiều dài 540km, tổng mức đầu tư 5 dự án là 108.865 tỷ đồng.
Đến nay, VEC đã hoàn thành đầu tư và đưa vào khai thác sử dụng 4/5 dự án với tổng chiều dài 490km, chiếm khoảng 27% tổng chiều dài các tuyến đường cao tốc tại Việt Nam hiện nay. Các tuyến đường cao tốc của VEC đều là các tuyến đường huyết mạch của đất nước, phát huy hiệu quả to lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội.
Với số vốn điều lệ là hơn 1,1 nghìn tỷ đồng, trong khi tổng mức đầu tư các dự án đường cao tốc của VEC là rất lớn, VEC luôn gặp khó khăn khi không đảm bảo tỷ lệ hệ số nợ/vốn chủ sở hữu theo quy định của pháp luật hiện hành.
Theo chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, VEC cần huy động số vốn lớn để đầu tư mới các tuyến cao tốc, đầu tư mở rộng các dự án đang quản lý (giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 14.890 tỷ đồng; giai đoạn 2026- 2030 cần khoảng 30.500 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền là rất gấp rút. Sau khi được bổ sung vốn điều lệ, VEC sẽ đủ điều kiện để huy động vốn từ các tổ chức tín dụng để thực hiện đầu tư dự án.
Do đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho VEC là cần thiết và cấp bách.
Chính phủ đề xuất xác định lại mức vốn điều lệ cho Công ty mẹ - VEC giai đoạn 3 năm (2024- 2026) là: 39.366 tỷ đồng trong đó hơn 1,1 nghìn tỷ đồng là vốn điều lệ hiện có và hơn 38,2 nghìn tỷ đồng bổ sung từ 2 nguồn.
Trong đó, khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng từ Quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp được ghi trong dự án đầu tư hình thành tài sản phục vụ sản xuất kinh doanh.
Gần 36,6 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước đã giải ngân đầu tư 5 dự án đường bộ cao tốc do VEC làm chủ đầu tư.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết việc tăng vốn điều lệ từ nguồn đầu tư công đã giải ngân đảm bảo nguyên tắc bảo toàn vốn.
Tuy nhiên, hiện Luật Đầu tư công và pháp luật hiện hành không có nội dung quy định bố trí vốn cho dự án và chuyển thành vốn ngân sách cấp bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp Nhà nước.
Chưa kể, mức vốn điều lệ dự kiến đầu tư bổ sung cho VEC là 38.251 tỷ đồng, nên việc quyết định chủ trương thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Thủ tướng quyết định đầu tư bổ sung cho doanh nghiệp này, sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Theo Bộ trưởng Thắng, việc tăng vốn điều lệ không làm phát sinh khoản chi ngân sách và nợ công. Vì thế, không tác động trực tiếp với ngân sách Nhà nước.
Sau khi được bổ sung vốn điều lệ, VEC sẽ đủ điều kiện huy động vốn từ các tổ chức tín dụng, thực hiện dự án đầu tư.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra.
Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết khi thẩm tra, đa số ý kiến thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách nhất trí cần tăng vốn điều lệ cho VEC giai đoạn 2024-2026, để tăng năng lực tài chính cho doanh nghiệp này trong phát triển các dự án đường cao tốc.
Với đề xuất của Chính phủ, ông Mạnh cho hay cấp có thẩm quyền đã kết luận đồng ý chủ trương cho phép dùng nguồn vốn đầu tư công đã giao cho Bộ Giao thông vận tải đầu tư dự án.
Cụ thể, số này gồm vốn đối ứng từ ngân sách Nhà nước, ODA tại các dự án thực hiện theo hình thức chuyển vốn vay về cho vay lại thành cấp phát ngân sách và vốn cấp phát ngân sách cho các dự án để chuyển thành vốn ngân sách bổ sung cho VEC.
Tuy vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan tính toán, xác định chính xác và chịu trách nhiệm về số liệu khi thực hiện chủ trương này. Việc này nhằm đảm bảo sử dụng vốn hiệu quả, không thất thoát vốn và tài sản Nhà nước, cũng như xử lý các vấn đề liên quan tới quản lý, hạch toán, phương án bảo toàn và phát triển vốn khi bổ sung vốn điều lệ cho VEC.
Kiểm toán Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện kiểm toán việc tuân thủ các quy định về tăng vốn điều lệ cũng như quản lý, sử dụng vốn của công ty mẹ - VEC theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp dự kiến diễn ra vào tháng 10/2025.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận