Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại phiên toà sơ thẩm |
Sáng 7/5, Toà án cấp cao TP Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án Cố ý làm trái xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), xem xét đơn kháng cáo của 15/22 bị cáo trong vụ án này.
Theo thông báo của Thư ký HĐXX, bị cáo Trịnh Xuân Thanh - cựu Chủ tịch HĐQT PVC đã không đến toà sáng nay vì trước phiên xét xử, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã xin rút kháng cáo và được Tòa án Cấp cao chấp nhận.
Tại toà, khi được HĐXX hỏi, con trai của Trịnh Xuân Thanh là Trịnh Hùng Cường cũng bất ngờ xin rút đơn kháng cáo.
Trước đó, hồi tháng 1/2018, TAND Hà Nội đã mở phiên sơ thẩm xét xử 22 bị cáo trong vụ án Cố ý làm trái và Tham ô tài sản, xảy ra tại dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Sau đó, 15 người gửi đơn kháng cáo.
Cụ thể, bị cáo Trịnh Xuân Thanh kháng cáo kêu oan hai tội Tham ô tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 278, 165 Bộ luật Hình sự 1999).
Con trai ông Thanh trong vai trò người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cũng kháng cáo đề nghị được trả lại tài sản của gia đình bị kê biên.
Bị cáo Đinh La Thăng - Cựu Chủ tịch PVN kháng cáo với các đề nghị xem xét lại cáo buộc tội danh cố ý làm trái, đánh giá lại mức thiệt hại của vụ án, từ đó xem xét lại mức án và khoản bồi thường trách nhiệm dân sự.
Ông Thăng cho rằng HĐXX cấp sơ thẩm chưa đánh giá phù hợp vai trò, trách nhiệm của mình trong vụ án xảy ra tại PVN và bản án đã tuyên quá nghiêm khắc.
Bị cáo Phùng Đình Thực đã kháng cáo toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm và cho rằng cấp sơ thẩm chưa đánh giá đúng vai trò của mình trong vụ án. Ông Thực cho rằng mình bị oan khi bản án tuyên ông tội Cố ý làm trái.
Ở phiên xét xử sơ thẩm, HĐXX tuyên bị cáo Đinh La Thăng 13 năm tù, bị cáo Trịnh Xuân Thanh án tù chung thân. 20 bị cáo còn lại bị cấp sơ thẩm tuyên án từ 30 tháng tù treo tới 16 năm tù giam về hai tội Cố ý làm trái và Tham ô tài sản.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận