Một góc đảo Bạch Long Vĩ - Ảnh: Việt Hòa |
Chắc tay súng giữ vững biển, trời
Bến Bính (Hải Phòng) một ngày đầu tháng 6/2017, tàu Bạch Long (con tàu do Tổng đội TNXP 13/5 quản lý, chuyên chở người, nhu yếu phẩm tiếp tế cho đảo Bạch Long Vĩ) hú lên hồi còi dài chào bờ. Trong đoàn công tác này có những người không dưới 20 lần tới đảo nhưng cũng có những cán bộ lần đầu tiên đặt chân. Chính vì thế, khi thuyền trưởng thông báo: “Tàu hành trình trên biển khoảng 8 tiếng sẽ tới đảo”, một số người thốt lên “sao lâu thế?”. Thế nhưng, một cán bộ có thâm niên ra đảo lý giải: Trước đây, để đến được đảo Bạch Long Vĩ, phải đi bằng tàu “há mồm” của hải quân, mất 2 ngày mới tới nơi!
Tới thăm đảo Bạch Long Vĩ, nơi đầu tiên mà bất cứ đoàn công tác nào cũng ghé qua là đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ. Bia đá tại đài tưởng niệm dày đặc tên, địa chỉ, năm hy sinh của hàng trăm anh hùng liệt sỹ quê quán ở mọi vùng, miền Tổ quốc đã hy sinh để giữ vững mảnh đất được coi là phên dậu biên cương giữa vịnh Bắc bộ. Sau bữa ăn tối, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng nói: “Lát nữa đề nghị văn phòng huyện bố trí một ô tô 16 chỗ ngồi, thông báo tới một số đồng chí thực hiện nhiệm vụ đặc biệt đi cùng tôi”. Một số PV được đi cùng, nhưng chúng tôi cũng như những người khác chẳng ai biết nhiệm vụ đặc biệt là gì ngoài Chủ tịch UBND thành phố.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với vị trí là đảo tiền tiêu giữa vịnh Bắc bộ, đảo Bạch Long Vĩ hứng chịu hơn 3.000 tấn bom đạn. Các đơn vị bộ đội trên đảo đã đánh trả 118 trận, bắn rơi 23 máy bay các loại, được mệnh danh là đảo tiền tiêu anh hùng, là “chiến hạm không bao giờ chìm” giữa vịnh Bắc bộ. |
Chiếc xe chở thẳng chúng tôi đi kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị đóng quân trên đảo. Ấn tượng nhất với chúng tôi là khi đoàn công tác tới tiểu đoàn phòng thủ đảo Bạch Long Vĩ (đơn vị trực thuộc Bộ Chỉ huy quân sự TP Hải Phòng). Không được báo trước nhưng khi nghe yêu cầu của Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, lãnh đạo tiểu đoàn lập tức chỉ đạo tập hợp quân số. Hiệu lệnh tập hợp được ban ra, từ các hướng tiếng bước chân rầm rập vọng lại, chỉ trong vòng vài phút, những đại đội, trung đội với tác phong chỉnh tề đã được tập hợp. Họ hành quân về sở chỉ huy từ những vị trí mà mới chỉ vài phút trước chúng tôi đi qua nhưng không phát hiện ra một bóng người nào.
Trong chuyến công tác đặc biệt ban đêm ấy, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng còn kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị biên phòng, công an, phòng cháy chữa cháy (trực thuộc UBND TP Hải Phòng). Cùng với đó, đoàn công tác cũng đến thăm các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân và Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân. Tới đơn vị nào, công tác tập hợp lực lượng cũng được triển khai một cách nhanh chóng chứng tỏ những cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang luôn trong trạng thái thường trực sẵn sàng chiến đấu. Nhìn những gương mặt đẫm mồ hôi của những chiến sĩ trẻ với tác phong nghiêm trang càng thêm vững tin vào họ. Nơi hòn đảo phên dậu xa xôi nhất ở vịnh Bắc bộ, những người lính ấy đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ biển, trời Tổ quốc.
Hải đăng trên đảo Bạch Long Vĩ |
Những dấu ấn trên đảo
Còn nhớ trước năm 1992, đảo Bạch Long Vĩ chỉ có một đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân đóng quân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đảo. Tới ngày 9/12/1992, Chính phủ ra Nghị định số 15 thành lập huyện Bạch Long Vĩ thuộc địa giới hành chính TP Hải Phòng. Ngày 26/2/1993, TP Hải Phòng tổ chức đưa 62 thanh niên xung phong cùng một số hộ dân đầu tiên ra đảo. Tiếp đó, các cơ quan hành chính như: Huyện ủy, UBND, công an, y tế, tòa án, VKS… lần lượt được thành lập. Tới nay, đảo Bạch Long Vĩ có đầy đủ các cơ quan hành chính cấp huyện. Tuy nhiên, do dân số trên đảo quá ít nên tại đây không có cơ quan hành chính cấp xã. Ngày nay, những ngôi nhà, các cơ quan hành chính được xây dựng khang trang, trên đảo có đầy đủ dịch vụ y tế, dịch vụ công cộng, điểm vui chơi giải trí như bất cứ một thị trấn nào ở đất liền. Với vị trí nằm giữa vịnh Bắc bộ - một ngư trường lớn của đất nước nên mỗi năm âu tàu Bạch Long Vĩ đón hàng vạn lượt tàu đánh cá của các tỉnh vào neo đậu. Nơi đây đã trở thành một trong những trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá lớn nhất cả nước. Chính vì đón lượng tàu lớn cùng lượng thuyền viên cập bến nên trên đảo luôn có một thực tế là những người tạm trú (ngư dân đánh bắt cá ở vịnh Bắc bộ) luôn đông hơn dân số trên đảo.
Ông Nguyễn Văn Hùng, một trong 5 hộ dân đầu tiên ra đảo Bạch Long Vĩ tâm sự: “Tháng 2/1993, gia đình tôi cùng 4 hộ dân khác và 62 thanh niên xung phong từ biệt đất liền để ra đảo. Sau 2 ngày ngồi trên tàu “há mồm” của hải quân, bước chân lên đảo, chúng tôi chỉ thấy bốn bề là san hô, cây xương rồng, lác đác vài cây bàng. Lương thực, thực phẩm chúng tôi không lo lắng bởi được TP Hải Phòng hỗ trợ trong 3 năm. Tuy vậy, những ngày đầu ra đây vất vả trăm bề. Đảo không có lấy một cái hồ hay cái vụng nào chứa nước, chúng tôi phải tìm mạch nước đào xuống sâu hàng chục mét để lấy nước ngọt. Rau xanh không có, mấy đứa con của tôi thèm rau quá toàn phải vặt quả bàng nhai cho đỡ nhớ vị rau”.
Đó là câu chuyện của 25 năm trước. Ngày nay, Bạch Long Vĩ đã có những bể nước lớn, một hồ chứa nước mưa diện tích hàng nghìn mét đang được xây dựng. Các công trình điện, đường, trường, trạm đủ đáp ứng nhu cầu của quân, dân trên đảo. Từ một mảnh đất khô cằn, sỏi đá giờ đây khắp đảo có đầy đủ cây lấy bóng mát, cây cảnh, những ruộng rau nho nhỏ trồng khắp nơi đủ cung cấp phần lớn nhu cầu rau xanh của đảo.
Toàn bộ đường trên đảo Bạch Long Vĩ đã được bê tông hóa |
Kết nối giao thông, xây dựng trung tâm tìm kiếm cứu nạn cấp vùng
Từ trên tàu Bạch Long, thấy một vệt xám nổi lên trên mặt biển xanh ngắt, phía trên cao nhất là ngọn đèn biển, thuyền trưởng thông báo “đã sắp tới Bạch Long Vĩ”. Ngọn đèn biển nổi bật trên nền trời ấy nhiều năm qua đã quá quen thuộc với hàng vạn tàu, thuyền qua lại, đánh cá ở vịnh Bắc bộ, cũng như những tàu, thuyền quốc tế hành hải qua vùng biển này. Nó như một cột mốc báo hiệu cho tàu thuyền quốc tế biết đã đến hải phận Việt Nam. Ông Lưu Văn Quảng, Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc cho biết: “Đèn biển Bạch Long Vĩ được xây dựng năm 1995 ở phần cao nhất của đảo. Đèn biển này có vai trò đặc biệt quan trọng đối với tàu, thuyền hành hải trên biển cũng như hàng vạn tàu cá trong những trường hợp biển động, mù sương tìm đường tới đảo. Bên cạnh đó, đây cũng là một dấu mốc chủ quyền trên biển của đảo tiền tiêu giữa vịnh Bắc bộ”.
Ngày nay, Bạch Long Vĩ được xây dựng khang trang với những công trình đồ sộ như: Hệ thống đê chắn sóng, âu tàu, chùa Bạch Long…Với những công trình đó, đòi hỏi vận chuyển một lượng lớn nguyên vật liệu từ đất liền ra đảo với rất nhiều công sức. Ông Đỗ Đức Hòa, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vĩ cho biết: “Từ những ngày đầu xây dựng huyện đảo, hàng vạn chuyến tàu đã đưa nguyên vật liệu, nhân công ra xây dựng đảo. Hàng vạn chuyến tàu hành trình ra đảo an toàn là nỗ lực của cả hệ thống chính quyền, trong đó đặc biệt là ngành giao thông. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành tại đảo Bạch Long Vĩ đang xây dựng cảng trở thành cảng cá loại 1 và là trung tâm tìm kiếm cứu nạn cấp vùng. Bộ GTVT và UBND TP Hải Phòng đã đầu tư hệ thống phao tiêu, biển báo luồng vào Bạch Long Vĩ giúp cho tàu, thuyền ra vào đảo thuận lợi hơn trước rất nhiều. Tàu Hoa Phượng được TP Hải Phòng đầu tư đang chuẩn bị bàn giao cho huyện sẽ tạo điều kiện cho giao thông giữa đất liền và huyện đảo thuận lợi hơn”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận