Những cầu thủ U23 Việt Nam sau khi chia tay đội tuyển trở về CLB đang phải đối diện với băng ghế dự bị. Đây là thực trạng đã tồn tại nhiều năm nay nhưng không thể trách các đội bóng bởi áp lực thành tích buộc họ phải toan tính.
Khi người hùng ở tuyển đánh bóng ghế dự bị tại CLB
Cuối tuần qua, V-League 2019 đã trở lại sau quãng thời gian nhường chỗ cho đội tuyển U23 Việt Nam hội quân đá vòng loại U23 châu Á 2020. Tại giải này, thày trò HLV Park Hang-seo đã thi đấu xuất sắc, giành ngôi đầu bảng K với 9 điểm tuyệt đối. Ấn tượng hơn cả là trận thắng U23 Thái Lan 4-0 ở lượt đấu cuối. Thành công của đoàn quân áo đỏ tại vòng loại châu Á càng đáng trân trọng hơn khi đa phần những cái tên góp mặt đều là những gương mặt mới, toàn đội lại chỉ có 2 tuần để lắp ráp. Một lần nữa, HLV Park Hang-seo cho thấy tài năng và sự mát tay với bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, ông thày người Hàn Quốc có lẽ cũng bất lực khi chứng kiến nhiều học trò phải ngồi dự bị khi trở về CLB.
Trong đội hình đá chính ở vòng loại U23 châu Á 2020, có ít nhất 5 cái tên phải ngồi dự bị ở CLB gồm: Thành Chung, Thái Quý, Bùi Tiến Dũng (Hà Nội); Tấn Sinh (Quảng Nam); Thanh Thịnh (SHB Đà Nẵng). Mở rộng hơn, trong bản danh sách 23 cầu thủ vừa vượt qua vòng loại châu Á, hơn 10 cầu thủ thường xuyên không được trao cơ hội tại V-League. Nhóm ra sân đều đặn tập trung chủ yếu ở CLB Hà Nội, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Viettel và HAGL.
Thực tế, đây không phải là điều gì quá mới mẻ đối với bóng đá Việt Nam. Tình trạng cầu thủ trẻ không được cọ xát tại các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vốn tồn tại từ lâu. Ngay cả lứa U20 Việt Nam từng dự U20 World Cup 2017 sau khi trở về cũng chỉ có vài cái tên được ra sân ở CLB. Lứa U23 Việt Nam năm 2018 có thể coi là một ngoại lệ trong lịch sử bóng đá Việt Nam khi đại đa số đều có chỗ đứng vững chắc tại đội bóng chủ quản. Nhưng tới lứa U23 năm 2019, mọi thứ xem ra lại trở lại với quỹ đạo vốn có. HLV Park Hang-seo từng thừa nhận, việc nhiều học trò không thường xuyên ra sân là khó khăn trong quá trình ông xây dựng lối chơi cho đội tuyển. Nếu không có sự điều chỉnh kịp thời từ các CLB, ông Park chắc chắn tiếp tục vấp phải khó khăn tương tự tại SEA Games 30 diễn ra cuối năm nay.
Theo thống kê của Báo Giao thông, trong tổng số 420 cầu thủ đăng ký thi đấu ở V-League 2019, chỉ có khoảng 60 cầu thủ nhỏ hơn hoặc bằng 22 tuổi, độ tuổi đá SEA Games 30 và Vòng chung kết U23 châu Á 2020 (tức chiếm khoảng 15%). Trong số này, cũng chỉ có khoảng 10% được ra sân thường xuyên bởi hầu hết CLB đều ưu tiên cầu thủ kinh nghiệm hoặc ngoại binh, nhất là khi V-League 2019, mỗi đội được dùng tới 3 cầu thủ nước ngoài.
Bóng đá Việt Nam đang sở hữu hệ thống lò đào tạo trẻ rộng khắp, mỗi năm giới thiệu hàng trăm cầu thủ tiềm năng. Nhưng khi cầu thủ trẻ cần sân chơi để rèn giũa, trưởng thành hơn, vươn lên một tầm cao mới, họ lại không có thứ mình cần. Không phải bỗng dưng Hà Nội FC và HAGL luôn đóng góp nhiều quân số nhất trong các lần hội quân đội tuyển. Cả hai CLB này dù cách làm khác nhau nhưng đều chú trọng tới việc trao cơ hội cho cầu thủ trẻ.
Cái khó bó cái khôn
Từ thực trạng trên, Báo Giao thông đã cất công đi tìm lời giải. Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Thành Vinh cho rằng, không dễ để thay đổi thói quen sử dụng cầu thủ trẻ của các CLB: “Mỗi đội bóng đều bị đè nặng bởi áp lực thành tích. Đội mạnh thì áp lực có thứ hạng cao, đội yếu áp lực trụ hạng. Bóng đá chuyên nghiệp nếu không có thành tích sẽ không có tiền nên buộc CLB phải tính toán, sử dụng những nhân sự tốt nhất và dày dạn kinh nghiệm. Sử dụng cầu thủ trẻ xét khía cạnh nào đó sẽ đem đến sự mạo hiểm lớn hơn. Tôi nói đơn cử như HAGL mấy mùa liền chật vật trụ hạng dù họ là đội có truyền thống, từng nhiều lần vô địch. Vấn đề nằm ở chỗ không phải ai cũng làm được như bầu Đức”.
Cũng theo ông Vinh, việc quy định cụ thể về số lượng cầu thủ trẻ được ra sân rất khó khả thi và cách tốt nhất để một cầu thủ giành suất đá chính ở CLB là phải tự nỗ lực vươn lên. “Khi cầu thủ đó đạt được bước nhảy vọt về chuyên môn, chẳng HLV nào không sử dụng. Quang Hải, Văn Đức, Văn Hậu là những ví dụ tiêu biểu nhất”, ông Vinh phân tích thêm. Mặc dù vậy, chuyên gia Nguyễn Thành Vinh cũng không tán thành việc V-League cho phép các đội có 3 ngoại binh bởi vô hình trung sẽ bó hẹp cơ hội được ra sân của cầu thủ trẻ, vốn đã rất hạn chế.
Trong khi đó, cựu danh thủ Dương Hồng Sơn cũng khẳng định, không dễ để áp dụng quy định bắt buộc CLB sử dụng cầu thủ trẻ bởi lẽ không phải đội bóng nào cũng có cầu thủ trẻ xuất sắc. “Ở lứa U, ngoài những cái tên đột biến từng về nhì châu Á thì đa phần những cầu thủ còn lại đều chưa thể so sánh với các đàn anh về mặt chuyên môn. HLV đương nhiên họ không đánh đổi thành tích của CLB chỉ vì vài cầu thủ như vậy. Nếu ép họ dùng, sức hấp dẫn của giải có khả năng sẽ giảm xuống”.
Về giải pháp tổ chức thêm một giải đấu song song dành cho lứa cầu thủ trẻ, những cầu thủ chưa chen chân vào được đội hình chính giống mô hình ở các nền bóng đá tiên tiến, cựu danh thủ Dương Hồng Sơn và chuyên gia Nguyễn Thành Vinh đều đồng tình là rất khó. “Bóng đá Việt Nam chưa đủ tiềm lực tài chính để tổ chức giải như vậy bởi làm ra một giải đấu không phải đơn giản, cực kỳ tốn kém. Bản thân các CLB họ cũng không dư giả để tham gia thêm một giải đấu. Đó là chưa kể tới việc nhiều CLB lực lượng cho đội chính còn phải “giật gấu vá vai” chứ chưa nói tới việc thành lập một thêm một đội dự bị”, cựu danh thủ Dương Hồng Sơn nói.
Tổng hòa các yếu tố, bình luận viên Vũ Quang Huy chốt lại: “Chúng ta chỉ còn biết hy vọng vào ý thức của các CLB, các HLV. Hiệu ứng từ U23 Việt Nam giúp các cầu thủ trẻ có sức hút và nếu CLB để họ ra sân sẽ kéo thêm được khán giả tới theo dõi. Về mặt chuyên môn, thành công của U23 Việt Nam đã giúp nhiều cầu thủ trẻ “vượt vũ môn”, khẳng định giá trị của mình và tôi cho rằng sớm muộn họ cũng tạo được vị thế vững chắc ở CLB”.
Bóng đá
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận