Y tế

Trời lạnh nguy hiểm với người mắc tiểu đường thế nào?

21/01/2021, 06:52

Bác sỹ cảnh báo, bệnh nhân tiểu đường dễ gặp biến chứng khi sinh hoạt bị đảo lộn bởi thời tiết lạnh giá…

img

Bệnh nhân đái tháo đường đang điều trị tại BV Nội tiết Trung ương vì… chườm nóng

Huyết áp tăng vọt vì… ăn nhiều

Bà T.T.M. (Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) vừa trở về nhà sau hơn một tuần điều trị nội trú tại Bệnh viện (BV) Lão khoa T.Ư vì huyết áp và chỉ số đường máu lúc lên cao vút, khi lại xuống quá thấp khiến cơ thể mệt mỏi, lao đao.

Theo lời bà M., gần hai tháng nay, gần như không bước chân ra khỏi nhà vì trời liên tục lạnh. Thế nhưng, loanh quanh mãi trong nhà, việc ngủ nghỉ, ăn uống của bà đảo lộn hết nên thuốc thang cũng “bữa đực, bữa cái”.

“Thời tiết như vậy nên lúc nào cũng thấy chân tay lạnh giá. Vì thế suốt ngày nằm trong chăn, ngủ gà gật không theo giờ giấc, ăn lại ngon miệng. Tưởng thế là sướng ai dè “phản chủ” khi đường huyết lên, xuống khó kiểm soát”, bà M. cho hay.

Còn trường hợp ông T.V.H. (Hà Nội) vốn có bệnh nền đái tháo đường đã 15 năm, kèm huyết áp cao. Ngày nào ông H. cũng đều đặn với lịch uống, tiêm thuốc 3 lần, nhờ vậy sức khỏe khá ổn định.

Tuy nhiên, chủ quan với sức khỏe, lại rơi đúng đợt Hà Nội lạnh đỉnh điểm, ông H. bỏ lỡ 4 ngày thuốc vì “ngại” đi tái khám, lĩnh thuốc. “Trước hôm xảy ra chuyện, tôi cũng thấy cơ thể khá mệt, dự định đi viện nhưng chưa kịp thì ngã gục trong nhà vệ sinh lúc 6h sáng. May đúng lúc con cái có ở nhà đưa đi cấp cứu chứ nếu không chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra”, ông H. cho biết.

TS.BS. Trần Quang Thắng, Khoa Cấp cứu và Đột quỵ, BV Lão khoa T.Ư cho biết: “Thời gian gần đây, nhiều bệnh nhân nhập viện thường trong tình trạng nặng với bệnh lý phổ biến là phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phổi, đột quỵ… trên nền bệnh mạn tính có sẵn như đái tháo đường, huyết áp cao… Các bệnh nhân vốn có bệnh nền lại gặp thời tiết lạnh nên càng dễ khởi phát bệnh”.

Theo lý giải của BS. Thắng, do phần lớn bệnh nhân có đa bệnh lý, bao gồm các bệnh yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, người cao tuổi gặp thời tiết lạnh cơ thể kém thích ứng hơn, khiến huyết áp tăng vọt nên dẫn đến đột quỵ.

Hoặc có bệnh nhân đái tháo đường do trời lạnh ảnh hưởng chế độ ăn, bệnh nhân ăn nhiều hơn làm đường máu tăng, gây biến chứng. “Thời tiết lạnh chính là yếu tố thúc đẩy khiến tăng nặng các bệnh mạn tính”, BS. Thắng cho biết.

BS. Thắng cũng khuyến cáo, để phòng tránh các bệnh về tim mạch, hô hấp, đột quỵ hiệu quả trong thời tiết lạnh giá, người già không nên ra ngoài trời lạnh đột ngột. Buổi sáng, khi tỉnh giấc, không nên ra khỏi chăn và xuống giường ngay, mà cần nằm lại trên giường, vận động nhẹ nhàng từ 3 - 5 phút để cơ thể dần thích nghi, ăn đủ bữa trong ngày.

Cẩn trọng hoại tử chân vì… chườm ấm

Các bác sỹ BV Nội tiết Trung ương cho biết, năm nào đến mùa đông, bệnh viện cũng tiếp nhận không ít bệnh nhân đái tháo đường nhập viện với tổn thương nặng ở chân vì... chườm ấm.

Với người có bệnh mãn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch cần tuân thủ theo đơn thuốc điều trị của bác sỹ. Trong trường hợp trời quá lạnh, không thể trở lại tái khám tại bệnh viện, người bệnh nên chủ động trao đổi qua điện thoại với bác sỹ điều trị để được tư vấn kịp thời.
BS. Trần Quang Thắng, Khoa Cấp cứu và Đột quỵ, BV Lão khoa T.Ư


Nhiều bệnh nhân tiểu đường bị bỏng, loét bàn chân do sử dụng sản phẩm đá muối Himalaya, đá chườm nóng để làm ấm bàn chân hoặc bỏng nặng từ bàn chân đến cổ chân vì ngâm chân nước nóng trước khi đi ngủ…

Nằm điều trị tại BV Nội tiết Trung ương, ông N.T.P. (Quảng Ninh) được các bác sỹ chẩn đoán bỏng sâu, nhiễm trùng trên nền bệnh đái tháo đường tuýp 2, buộc phải cắt lọc phần da thịt bị hoại tử ở vùng ngón chân và cổ chân.

Tuy nhiên, do vết tổn thương bỏng lan rộng, đồng thời khu vực cẳng chân là vùng ít mạch máu nuôi dưỡng, kết hợp teo cơ do biến chứng tiểu đường nên quá trình điều trị của ông P. được tiên lượng khó khăn và kéo dài.

Ông P. kể lại: “Năm nay trời lạnh quá, không thể ngủ được nên mới đây con cháu mua tặng tôi chiếc đèn sưởi. Tối nào tôi cũng phải bật sưởi cho ấm, ai dè hôm ấy ngủ quên để gần quá, bỏng lúc nào chẳng hay”.

Điều đáng nói là đối với bệnh nhân đái tháo đường, biến chứng thần kinh ngoại vi khiến bệnh nhân tê bì, mất cảm giác nóng lạnh. Vì vậy, khi sử dụng các loại chườm nóng, người bệnh không cảm nhận được sức nóng nên thường gây bỏng nghiêm trọng mà vẫn không biết.

Hơn nữa, một tổn thương rất nhỏ cũng có thể dẫn tới nguy cơ vết thương lan rộng gây hoại tử với bệnh nhân đái tháo đường do họ có đường huyết cao, kèm theo các bệnh nền khác làm suy giảm sức đề kháng.

“Việc chườm nóng, dùng nhiệt điều trị chứng tê bì cần hết sức thận trọng và phải được kiểm soát để tránh những hệ lụy đáng tiếc cho bệnh nhân”, BS. Nguyễn Ngọc Thiện, Phó trưởng Khoa Chăm sóc bàn chân, BV Nội tiết Trung ương cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.