Sau 5 ngày xảy ra vụ trộm cửa hàng vàng bạc Tuấn Đạt (số 55 Phùng Khắc Khoan, phường Quang Trung, Tx. Sơn Tây, TP Hà Nội) với số lượng tài sản bị mất lên tới 350 cây vàng và 140 triệu đồng, ngày 23/8, kẻ trộm Nguyễn Tiến Hân (SN 1990, ở Đồng Tháp, Đan Phượng, Hà Nội) đã bị bắt.
Trong quá trình điều tra vụ trộm vàng này, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội đã phát hiện vào ngày 16/8, tại cửa hàng kinh doanh xe máy Honda ở thôn Hòa Lạc, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hân đã trộm cắp 1 xe máy Honda SH 150i và 58 triệu đồng trong két sắt.
Đây được cho là một trong những vụ trộm cắp với số lượng vàng lớn nhất từ trước tới nay. Qua quá trình điều tra cho thấy, Nguyễn Tiến Hân là đối tượng từng có tiền án tiền sự, trộm cắp chuyên nghiệp với thủ đoạn tinh vi. Dư luận cho rằng đối tượng này cần phải được xử lý nghiêm minh để răn đe cho các đối tượng khác đã và đang có ý định đi trộm cắp tài sản.
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích, với hành vi đột nhập vào nhà của người khác rồi trộm cắp vàng và tiền thì đối tượng này sẽ bị truy cứu trách nhiệm về Tội trộm cắp tài sản được quy định tại điều 173 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017.
Theo luật sư Lực, với số tiền và vàng trộm cắp lên đến hàng chục tỷ đồng, cùng với đó là thủ đoạn đột nhập vào nhà để trộm có tính chất tinh vi, chuyên nghiệp, thì đối tượng Hân có thể đối diện với khung hình phạt cao nhất trong Điều 173 với hình phạt từ 12 - 20 năm tù.
"Ngoài ra, đối tượng này không chỉ thực hiện hành vi trộm cắp một lần, mà trong khoảng thời gian ngắn (1 tuần) đã thực hiện 2 vụ cướp táo tợn. Đây có thể được xem là tình tiết tăng nặng đối với đối tượng”, luật sư Lực nói và cho biết thêm, ngoài hình phạt tù thì Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi 2017 cũng quy định Người phạm tội “Trộm cắp tài sản” còn có thể bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng.
Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 Quy định về Tội trộm cắp tài sản:
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; Tài sản là di vật, cổ vật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; Hành hung để tẩu thoát; Tài sản là bảo vật quốc gia; Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 - 15 năm: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 - 20 năm: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận