Đối tượng Lê Minh Phương chém trộm vào nhà |
Nhiều vụ trộm giết chủ nhà
Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội vừa khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can tội danh “Giết người”, bắt tạm giam 4 tháng đối với Lê Minh Phương (SN 1967) trú tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm. Theo điều tra ban đầu, rạng sáng 23/11, Phương đã dùng thanh kiếm sắt đầu nhọn chém nhiều nhát gây thương tích cho Nguyễn Đăng Tùng (SN 2002, cùng trú phường Tây Tựu) khi thiếu niên này đột nhập vào tiệm tạp hóa của gia đình Phương với mục đích trộm cắp. Kết quả giám định pháp y, Tùng bị tổn hại sức khỏe 61%.
Theo luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư TP Hà Nội, người dân khi phát hiện trộm đột nhập đều cho rằng “nếu mình không đánh nó thì nó sẽ đánh mình”, nên đại đa số chọn cách chống trả mà không nghĩ mình hoặc đối tượng sẽ bị thương. Nếu bản thân bị thương thì thiệt thân, nhưng nếu trộm bị thương thì nạn nhân của vụ trộm cắp sẽ biến thành thủ phạm của vụ “Cố ý gây thương tích” hoặc thậm chí “Giết người”. |
Ngay sau khi Phương bị khởi tố, bắt giam, nhiều ý kiến cho rằng, việc khép Phương vào tội “Giết người” là quá nặng. Bởi lẽ, trong nhà Phương khi đó có khá nhiều phụ nữ và trẻ nhỏ. Do đó, nếu không phòng vệ và đánh Tùng thì liệu gia đình Phương có được đảm bảo an toàn?
Trên thực tế, đã xảy ra không ít vụ trộm đâm chết chủ nhà khi bị phát hiện, truy đuổi. Điển hình là đêm 27/8/2016, Chu Văn Trường (SN 1986, trú Tuyên Quang) đột nhập một căn nhà trên phố Xuân Thủy, quận Cầu Giấy để trộm cắp. Bị phát hiện, Trường dùng dao đâm chủ nhà là anh Nguyễn Quang Anh (SN 1998) tử vong rồi cướp đi laptop, điện thoại Iphone 6.
Tương tự, rạng sáng ngày 7/12/2015, Nguyễn Văn Kỳ (SN 1970, trú xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội) đột nhập vào gia đình ông Nguyễn Lương Chuân (59 tuổi, trú xã Canh Nậu, Thạch Thất) để trộm cắp. Bị phát hiện, truy đuổi, Kỳ đã dùng dao đâm tử vong ông Chuân cùng con trai nạn nhân là anh Nguyễn Lương Chỉnh (SN 1988), đồng thời gây trọng thương vợ và con trai út ông Chuân.
Quan trọng nhất là đảm bảo tính mạng
Trao đổi với Báo Giao thông, Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm cho rằng, để nạn nhân không biến mình thành thủ phạm như trong bi kịch đánh trộm gây thương tích ở quận Bắc Từ Liêm vừa qua, trong bất cứ hoàn cảnh nào, người dân nên chủ động phòng ngừa hơn là học cách đối phó. Theo Đại tá Tùng, không nên một mình đánh lại trộm vì có thể tội phạm mang hung khí gây nguy hiểm. Nên vào phòng kín, khóa chặt cửa và điện thoại báo công an, người thân hoặc hô hoán hàng xóm đến ứng cứu. Không nên tiếc tài sản mà kháng cự kẻ trộm có hung khí, vì có thể nguy hiểm tới tính mạng. Hãy bình tĩnh, làm theo yêu cầu của chúng để bảo vệ tính mạng của chính mình.
Đại tá Tùng cũng khuyến cáo, nên hạn chế cho người lạ, người không thân thích ngủ trong nhà. Trường hợp bất khả kháng, cần chủ động mời hàng xóm sang chơi, gọi điện báo cho người thân biết việc có khách xin ngủ nhờ tại nhà… nhằm ngăn chặn ý đồ của kẻ xấu. Để đảm bảo an toàn, người dân cũng nên tham khảo, lắp đặt hệ thống báo động thông minh trong căn hộ, tòa nhà.
“Người dân cần giữ bình tĩnh trong mọi trường hợp, mục tiêu quan trọng nhất là đảm bảo tính mạng bản thân và gia đình, đồng thời không nên nóng nảy khi “xử lý” tên trộm đột nhập, tránh biến mình thành tội phạm khi “quá tay” đánh đối tượng”, Đại tá Tùng cảnh báo.
Thế nào là phòng vệ chính đáng?
Phân tích chi tiết để làm rõ hơn thế nào là phòng vệ chính đáng và không phạm tội từ trường hợp của đối tượng Lê Minh Phương nêu trên, luật sư Nguyễn Hữu Toại (Công ty Luật Hừng Đông, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hành vi đột nhập nhà người khác vào ban đêm khi chưa được sự đồng ý của chủ nhà là vi phạm pháp luật, xâm phạm tài sản và chỗ ở hợp pháp của công dân. Việc ông Phương dùng kiếm chém khiến Tùng bị thương là do hành vi trái pháp luật của Tùng trước đó gây ra. Ông Phương đã thực hiện quyền phòng vệ chính đáng được quy định tại Điều 15, Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, hành động của ông Phương có vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không thì các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải thận trọng xem xét, đánh giá toàn diện, tránh oan sai.
Hành vi xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của người khác được coi là phòng vệ chính đáng khi có đủ các điều kiện sau: Hành vi xâm hại những lợi ích cần phải bảo vệ là hành vi phạm tội hoặc rõ ràng là có tính chất nguy hiểm cho xã hội; Hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần phải bảo vệ; Phòng vệ chính đáng không chỉ gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công, mà còn có thể tích cực chống lại sự xâm hại, gây thiệt hại cho chính người xâm hại; Hành vi phòng vệ phải tương xứng với hành vi xâm hại.
Tương xứng không có nghĩa là thiệt hại do người phòng vệ gây ra cho người xâm hại phải ngang bằng hoặc nhỏ hơn thiệt hại do người xâm hại đe dọa gây ra hoặc đã gây ra cho người phòng vệ. Để xem xét hành vi chống trả có tương xứng hay không, có rõ ràng là quá đáng hay không, phải xem xét toàn diện những tình tiết có liên quan như: Khách thể cần bảo vệ (ví dụ bảo vệ tính mạng); mức độ thiệt hại do hành vi xâm hại có thể gây ra và do hành vi phòng vệ gây ra; vũ khí, phương tiện, phương pháp mà hai bên đã sử dụng; nhân thân của người xâm hại (nam, nữ; tuổi; người xâm hại là côn đồ, lưu manh…); cường độ của sự tấn công và sự phòng vệ… Đồng thời cũng cần phải chú ý đến yếu tố tâm lý của người phải phòng vệ, nhất là trong trường hợp họ bị tấn công bất ngờ.
Sau khi đã xem xét một cách đầy đủ, khách quan tất cả các mặt nói trên, nhận thấy rõ ràng là trong hoàn cảnh sự việc xảy ra, người phòng vệ đã sử dụng những phương tiện, phương pháp rõ ràng quá đáng và gây thiệt hại rõ ràng quá mức (như gây thương tích nặng, làm chết người) đối với người có hành vi xâm hại thì coi hành vi chống trả là không tương xứng và vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Ngược lại, nếu hành vi chống trả là tương xứng thì đó là phòng vệ chính đáng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận