Trụ sở khang trang bỏ hoang vì không có đường vào
Theo đó, công trình Trạm kiểm dịch động vật Hà Tĩnh xây dựng từ năm 2021, đến nay đã xong nhưng chưa được đưa vào sử dụng. Tường bắt đầu rêu phong, bong sơn và cỏ dại lấn vào sân, vào thềm.
Trong gần 3 năm qua kể từ khi dự án hoàn thiện, 6 cán bộ nhân viên của Trạm vẫn phải thuê tạm căn nhà cấp 4 diện tích khoảng 30m2 của một hộ dân nằm sát QL1A để vừa làm việc, vừa sinh hoạt hàng ngày.
Trước đó, vào năm 2015, tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt đầu tư xây dựng dự án Trạm kiểm dịch động vật Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư gần 8 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách và các nguồn hợp pháp khác.
Theo tìm hiểu của PV, dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, nhưng đến năm 2018 thì chuyển giao lại cho Ban quản lý dự án đầu tư công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh thực hiện.
Công trình được xây dựng trên diện tích khoảng 3.000m2, có những hạng mục chính như: nhà làm việc 2 tầng, nhà nhốt động vật, lò tiêu hủy...
Năm 2021 công trình hoàn thành, tiến hành bàn giao cho Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh, nhưng Chi cục này từ chối tiếp nhận vì cho rằng chủ đầu tư chưa làm đường vào.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Võ Trường Giang - Trưởng Văn phòng Quản lý đường bộ 2.3 (thuộc Khu quản lý đường bộ 2 - Cục đường bộ Việt Nam) cho biết, vị trí xây dựng tòa nhà không thuộc điểm đấu nối với quốc lộ 1A, mà điểm đấu nối theo quy hoạch cách đó vài trăm mét.
Thuê nhà dân chật hẹp để duy trì hoạt động
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quang Huân - Phó phụ trách Trạm Kiểm dịch động vật Hà Tĩnh cho biết, từ trước đến nay do không có trụ sở để hoạt động nên đơn vị phải thuê nhà dân, vừa chật chội, vừa ẩm thấp rất bất tiện.
Thế nhưng, sau khi xây xong là năm 2021, do không được đấu nối trực tiếp với quốc lộ 1A nên đến nay vẫn chưa được sử dụng.
Cũng theo ông Huân, vừa rồi UBND tỉnh Hà Tĩnh mới có văn bản chỉ đạo tập thể, cá nhân liên quan phải kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến việc xây trụ sở xong không thể đưa vào hoạt động.
"Chúng tôi rất mong muốn cấp trên sớm có quyết định làm đường gom, đưa trụ sở vào hoạt động, để chúng tôi đỡ chật chội, vất vả đồng thời cũng để trụ sở mới khỏi xuống cấp, lãng phí" - ông Huân nói.
Theo lãnh đạo Ban quản lý dự án đầu tư công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh, trước đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh là đơn vị lập dự án nhưng không tính đến làm đường gom để ra vào... Khi công trình hoàn thành, việc làm đường gom để đấu nối với quốc lộ 1A gặp khó khăn vì không đúng quy hoạch.
Để xử lý vấn đề trên, theo các cơ quan chuyên môn, trước hết đề xuất thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu phường Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh). Cụ thể, bổ sung quy hoạch đường gom đấu nối vào QL1A tại khu vực lô đất đầu tư xây dựng dự án theo đúng tiêu chuẩn, quy phạm và quy định hiện hành.
Đồng thời, đầu tư xây dựng mới đường gom từ khu vực Trạm Kiểm dịch động vật nội địa đến vị trí quy hoạch đấu nối gần nhất với chiều dài khoảng 130m và đến điểm đấu nối tiếp theo là khoảng 500m.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận