Theo ông Hoài, vào tối 30/5, hầm Chí Thạnh được đào thông từ phía cửa Bắc sang cửa Nam, khối lượng đất đá sạt lở án ngữ trước đó đã được vận chuyển ra ngoài. Sau đó, đơn vị thi công tiếp tục gia cố hầm để đảm bảo tàu qua lại được an toàn.
Có mặt tại hầm Chí Thạnh vào sáng 31/5, ông Trần Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đúng 11h45 cùng ngày, chuyến tàu hàng mang số hiệu ASY22 với 23 toa tàu có tải trọng 939 tấn đã di chuyển an toàn qua hầm đường sắt Chí Thạnh với vận tốc 5km/h.
Đây là nỗ lực của ngành đường sắt cùng các đơn vị thi công, đơn vị hỗ trợ hoàn thành công tác khắc phục sự cố sạt lở đất đá xảy ra cách đây 10 ngày; Qua đó chính thức nối lại tuyến đường sắt Bắc - Nam, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và vận chuyển hàng hóa.
Trong ngày 31/5, đoàn tàu mang số hiệu HSE9 di chuyển từ ga Hà Nội đến ga Sài Gòn sẽ là đoàn tàu chở khách đầu tiên đi qua hầm đường sắt Chí Thạnh vào lúc 14h30. Tiếp theo đó là các chuyến tàu SE21 di chuyển theo hướng Bắc Nam và đoàn tàu SE8 di chuyển theo hướng Nam - Bắc qua hầm Chí Thạnh trong ngày.
Trước khi chuyến tàu hàng đầu tiên chạy qua, đơn vị thi công sẽ tiếp tục kiểm tra và sửa chữa hầm cho đến khi đủ điều kiện an toàn, tiêu chuẩn kỹ thuật rồi sẽ nâng tốc độ của các tàu qua hầm là 15km/h.
Trước khi tàu hàng đầu tiên chạy qua hầm Chí Thạnh sau 10 ngày ách tắc để khắc phục sạt lở, ngành chức năng sẽ cho tàu kỹ thuật chạy qua trước để thử tải, đảm bảo an toàn cho các đoàn tàu chạy qua. Công tác kiểm tra hầm, dọn vệ sinh trên tuyến cũng đang được tiến hành khẩn trương, kỹ lưỡng.
Theo lãnh đạo Chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang, trong 10 ngày xảy ra sự cố sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh, ngành đường sắt đã tổ chức trung chuyển 128 chuyến tàu với hơn 36.000 hành khách.
Để khắc phục sự cố này, chủ đầu tư là Ban QLDA 85, ngành đường sắt đã huy động mỗi ngày hàng trăm công nhân tập trung 24/24h khẩn trương thi công. Sau đó, trước tính chất phức tạp của sạt lở hầm Chí Thạnh, Tập đoàn Đèo Cả cũng được tăng cường đến để phối hợp khắc phục sạt lở, sớm thông tàu.
Như đã đưa tin, khoảng 10h15 ngày 21/5, một lượng đất đá trong hầm đường sắt Chí Thạnh bất ngờ đổ xuống khi tàu công trình đang thực hiện công tác gia cố hầm, khối lượng đất đá sạt lở ước tính khoảng 30m3. Đến sáng 26/5, tại vị trí sạt lở cũ, một lượng lớn đất đá (khoảng 260m3) lại tiếp tục sạt xuống. Do sự cố này, hầm Chí Thạnh bị tắc 10 ngày liền.
Trước đó, vào đầu tháng 4/2024, hầm Bãi Gió thuộc tỉnh Khánh Hòa cũng bị sạt lở, khiến hệ thống giao thông đường sắt Bắc - Nam bị chia cắt trong 10 ngày, gây thiệt hại cho ngành đường sắt hơn 50 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận