Thoái cổ phần qua chuyển nhượng cổ phiếu
Đại diện Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) cho biết, Vinalines đang tiến hành thoái vốn tại Công ty CP Hợp tác lao động với nước ngoài (Inlaco - HP)
“Theo đó, Vinalines sẽ thoái toàn bộ 1.518.750 cổ phần (chiếm 24,9%) tại Công ty CP Hợp tác lao động với nước ngoài với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Việc chuyển nhượng sẽ thông qua chuyển nhượng cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán với mức giá khởi điểm đấu giá là 2.700 đồng/cổ phần”, đại diện này thông tin.
Được biết, Công ty CP Hợp tác lao động với nước ngoài là một DN được hình thành trên cơ sở cổ phần hóa công ty Hợp tác lao động với nước ngoài, đơn vị thành viên của Tổng công ty Hàng Hải VN theo quyết định số 77/1999 của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Doanh thu năm đầu tiên sau cổ phần hóa đạt 9,2 tỷ đồng, có những năm doanh thu của Inlaco - HP tăng hơn 20 lẩn so với năm đầu tiên khi cổ phần hóa. Tại thời điểm cao nhất, công ty đã sở hữu 9 tàu vận tải biển hoạt động khắp châu Á. Tuy nhiên, có thời điểm (2018), lỗ lũy kế của Inlaco - HP lên tới hơn 105 tỷ đồng.
Tiếp tục kế hoạch thoái vốn để giảm gánh nặng
Theo đại diện Vinalines, việc thoái vốn này nằm trong kế hoạch thoái vốn toàn bộ tại các 3 DN thành viên của Tổng công ty Hàng hải VN trong năm 2019, gồm: Công ty CP KCN Tín Nghĩa (thoái vốn toàn bộ 1,15% cổ phần); Công ty CP Hợp tác lao động với nước ngoài (thoái vốn toàn bộ 24,9% cổ phần); Công ty CP Vận tải biển Hải Âu (thoái vốn toàn bộ 26,46% cổ phần).
“Bên cạnh đó, trong năm 2019, Vinalines cũng dự kiến thoái vốn giảm tỷ lệ sở hữu tại 2 DN là: Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (thoái vốn từ 51% xuống 49%, tương đương giảm 2,8 triệu cổ phần) và Công ty CP Vận tải biển Vinaship (thoái vốn từ 51% xuống 36%, tương đương giảm 3 triệu cổ phần)”, đại diện này nói.
Tìm hiểu của PV, tính từ năm 2013 (giai đoạn Vinalines bắt đầu tái cơ cấu), Tổng công ty Hàng hải VN đã thực hiện thoái vốn rất nhiều DN. Số lượng DN của Vinalines giảm từ 73 DN xuống còn 35 DN ở thời điểm hiện tại (bao gồm cả Công ty CP Cảng Quy Nhơn mới được Vinalines tiếp nhận lại từ tháng 6/2019).
Đặc biệt, vốn đầu tư tại các DN kinh doanh ngoài ngành như: ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản,… cũng đã được Vinalines rút toàn bộ để tập trung trong 3 ngành nghề kinh doanh chính là: khai thác cảng biển, vận tải biển và dịch vụ hàng hải.
Việc thoái vốn tại DN thành viên kinh doanh kém hiệu quả đã góp phần đưa tổng số nợ phải trả của toàn Tổng công ty Hàng hải VN giảm mạnh từ hơn 67.500 tỷ đồng (trước thời điểm tái cơ cấu) xuống còn hơn 17.200 tỷ đồng (tính đến tháng 6/2019).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận