Hạ tầng

Trục lợi từ bán vật liệu làm cao tốc: Chủ mỏ tăng giá, chính quyền “ngó lơ”

15/03/2021, 08:00

Tại nhiều nơi chủ mỏ tăng giá bán vật liệu so với quy định, song địa phương lại “không biết”.

img

Hiện mỗi m3 đất san lấp ở mỏ Phường Hóp (Thừa Thiên - Huế) đang chênh so với giá bán công bố của tỉnh 3.500 đồng

Dự án cao tốc Bắc - Nam là công trình trọng điểm quốc gia, Thủ tướng đã yêu cầu UBND các tỉnh có dự án đi qua ưu tiên, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh thủ tục cấp hoặc gia hạn giấy phép khai thác mỏ vật liệu cho các nhà đầu tư, các nhà thầu thi công dự án.

Tuy nhiên, nhiều địa phương ngại lý do thủ tục cấp phép nhiêu khê, mất nhiều thời gian, cần cơ chế đặc thù… Trong khi đó, tại nhiều nơi chủ mỏ tăng giá bán vật liệu so với quy định, song địa phương lại “không biết”.

Chủ mỏ tăng giá bán, ung dung bỏ túi tiền tỷ

Những ngày đầu tháng 3/2021, trong vai một nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn, PV tìm vào khu vực mỏ đất Phường Hớp (xã Phong An, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) của Công ty CP Lâm nghiệp 1/5. Các xe ra vào tấp nập, hoạt động khai thác diễn ra rầm rộ.

Từng đoàn xe tải nhận đầy đất từ mỏ chở về phục vụ thi công các gói thầu XL06, XL05 (cao tốc Cam Lộ - La Sơn). Đây cũng là 1 trong 3 mỏ (Phường Hóp, Khe Quan, Tróc Voi) vừa được tỉnh Thừa Thiên - Huế quyết định tăng công suất, cấp quyền khai thác khoáng sản trữ lượng mới.

Đại diện Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, việc tăng công suất để phục vụ các dự án chương trình phát triển đô thị loại II, dự án nâng cấp CHK quốc tế Phú Bài và cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Chỉ riêng mỏ Phường Hóp được tăng công suất 600.000m3/năm; gia hạn thời gian khai thác, cấp quyền khai thác khoáng sản còn lại (hơn 308.000m3 đất san lấp)...

Tuy nhiên, thay vì áp dụng đúng theo quy định về công bố giá vật liệu năm 2021 của ngành chức năng tỉnh, các mỏ tăng giá bán cao hơn rất nhiều. Liên hệ với ông M. (được giới thiệu là thư ký của Chủ tịch HĐQT Công ty CP Lâm nghiệp 1/5), ông này xác nhận, hiện mỏ Phường Hóp đang bán cho các đơn vị thi công dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua tỉnh Thừa Thiên - Huế.

“Nếu nhà thầu cần mua thêm 100.000m3 thì mỏ vẫn cung cấp được”, ông M. nói và hướng dẫn PV liên hệ với ông Th., kế toán công ty.

Sau hồi thuyết phục, ông Th. đồng ý cung cấp bảng báo giá vật liệu của công ty cho khách hàng. Theo đó, đất san lấp chào giá là 35.000 đồng/m3, đất cấp phối K95 là 50.000 đồng/m3 và đất cấp phối K98 được chào bán với giá 55.000 đồng/m3.

Đối chiếu với thông báo giá vật liệu của Sở Xây dựng Thừa Thiên - Huế (tháng 1/2021), vật liệu đất đắp chỉ có 31.500 đồng/m3 (bao gồm thuế, phí, lệ phí môi trường). Như vậy, mỗi m3 đất san lấp ở đây đang chênh so với giá bán công bố của tỉnh 3.500 đồng.

Tại Quyết định 3214 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế (tháng 12/2020) phê duyệt bổ sung cấp quyền khai thác khoáng sản đối với đất làm vật liệu san lấp tại khu vực Phường Hóp, trữ lượng địa chất còn lại để tính cấp quyền khai thác là hơn 308.000m3; giá cấp quyền khai thác chỉ có 27.000 đồng/m3.

Tuy nhiên, với giá bán theo ấn định của Công ty CP 1/5, không cần phải tính toán quá nhiều, chỉ riêng tổng 308.000m3 đất đắp được cấp phép khai thác lần này, chủ mỏ thu dự kiến thu về hàng chục tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực mỏ trên địa bàn miền Trung cho biết, nếu cơ quan quản lý không sát sao, nghiêm ngặt, nhiều chủ mỏ dễ dàng khai thác vượt quá khối lượng, phạm vi được quy định và lách luật bằng các báo cáo thuế, đầu vào, xuất hóa đơn bên ngoài. Khi đó, số tiền chủ mỏ bỏ túi là không nhỏ, trong khi Nhà nước bị thất thu thuế, phí và các nhà thầu bị ép giá, bù lỗ, mất ổn định nguồn vật liệu...

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, với các mỏ được cấp phép theo cơ chế chỉ định thầu, hoặc chỉ định cho các công trình dự án giao thông cụ thể, nếu giá bán vượt quá thông báo giá của tỉnh sẽ bị xử lý.

“Chúng tôi tiếp nhận phản ánh của Báo Giao thông và đang giao cho ngành chức năng có báo cáo, thông tin cụ thể”, ông Phương nói.

Tại Bình Thuận, PV Báo Giao thông đã gõ cửa các SởTN&MT, Sở Tài chính để làm rõ về việc giá cả vật liệu tại hai dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây tăng chóng mặt thời gian qua. Tuy nhiên, những gì mà PV nhận được chỉ là sự né tránh của cơ quan chức năng.

Cụ thể, sáng 2/3, PV đã liên hệ qua điện thoại và được ông Lê Nam Hưng, Chánh văn phòng Sở TN&MT hẹn lịch đầu giờ chiều đến trụ sở làm việc để cung cấp thông tin về công tác quản lý các mỏ vật liệu, đấu giá khai thác khoáng sản.

Tuy nhiên, kết quả buổi làm việc mà PV thu nhận chỉ là “ghi nhận nội dung câu hỏi và hẹn sẽ trả lời sau”. Từ đó đến nay , PV vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía cơ quan này.

Tiếp đến, chiều 9/3, chúng tôi đã đến gặp trực tiếp ông Nguyễn Gia Phước Toại, Chánh văn phòng Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận và đặt câu hỏi về việc đấu giá các mỏ vật liệu, kiểm soát giá như thế nào, vị này đã từ chối trả lời với lý do các lãnh đạo Sở đều “bận họp”.

Thủ tục cấp phép có thật sự nhiêu khê?

Tại Đồng Nai, ông Nguyễn Hồng Quế, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai (Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai) cho hay, nguồn vật liệu đất đắp tại các mỏ ở Đồng Nai rất lớn, hoàn toàn đáp ứng nhu cầu của các dự án. Tuy nhiên, vướng mắc lại nằm ở thủ tục.

“Hiện tại, chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai báo cáo Thủ tướng xin cơ chế đặc thù nhằm rút ngắn thời gian cấp phép để cung cấp đủ vật liệu thi công”, ông Quế nói.

Cũng về thủ tục, tại Thanh Hóa, ông Phạm Văn Hoành, Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản (Sở TN&MT) cho biết: “Thời gian để cấp phép cho một mỏ vào khai thác hoạt động phải mất hơn 2 năm. Trước tiên phải lập quy hoạch, trình UBND tỉnh phê duyệt. Kế đó, phải xác định khối lượng, trữ lượng cả mỏ và lập phương án đấu giá; Lựa chọn tổ chức đấu giá công khai rộng rãi. Nếu không đấu giá thì giảm được 6-7 tháng”.

Về việc các chủ mỏ tăng giá bán, ông Hoành cho rằng “nằm ngoài việc kiểm soát của Sở” bởi việc mua bán thống nhất giữa hai bên xong không bao giờ vượt quá khung giá quy định của UBND tỉnh.

Đối với việc xử lý tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu, ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, sẽ làm việc với các ban QLDA, các địa phương cùng các sở, ngành liên quan để xem xét việc thiếu nguồn vật liệu như thế nào.

“Nếu thiếu vật liệu thì các Ban QLDA phải có số lượng báo cáo cụ thể bằng văn bản từng gói thầu, thiếu nguồn vật liệu nào, giá cao bao nhiêu, không thể nói chung chung được. Hiện, Thanh Hoá đang bổ sung vào quy hoạch nhiều mỏ vật liệu nên sẽ không có chuyện khan hiếm. Quy định giá vật liệu thì tỉnh đã có công bố khung giá cụ thể. Các chủ mỏ mà tăng quá so với khung giá, tỉnh sẽ có biện pháp xử lý, nhưng phải có vụ việc cụ thể”, ông Liêm cho biết.

Trái ngược với thông tin từ địa phương, đại diện Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN&MT) cho biết, theo quy định của Luật Khoáng sản, các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như: Cát, sỏi, đất sét, đất đắp đường, đá vôi... thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh.

Theo đó, UBND cấp tỉnh hoàn toàn có thể xem xét điều chỉnh, bổ sung các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng nhằm đáp ứng nguyên vật liệu phục vụ cho dự án phát triển KT-XH.

“Dự án cao tốc Bắc - Nam là công trình trọng điểm quốc gia, Thủ tướng đã yêu cầu UBND các tỉnh có dự án đi qua ưu tiên, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh thủ tục cấp hoặc gia hạn giấy phép khai thác mỏ vật liệu cho các nhà đầu tư, các nhà thầu thi công dự án. Nhà đầu tư, nhà thầu thi công dự án nếu đủ điều kiện là cấp phép”, vị này nói rõ.

Thông tin thêm, vị này cho hay từ tháng 3/2019, Bộ TN&MT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua đề nghị đẩy nhanh tiến độ cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng và cấp phép khai thác đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được xác định để phục vụ thi công dự án, trên tinh thần cắt giảm thủ tục không cần thiết.

“Trong công tác thăm dò khoáng sản là vật liệu xây dựng có tính đặc thù, Bộ TN&MT đã yêu cầu các địa phương áp dụng quy định khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các công trình dự án trọng điểm quốc gia, đủ tiêu chí thuộc khu vực không phải thông qua đấu giá. Một khi đã thuộc diện không đấu giá thì triển khai cấp phép khai thác sẽ phải rất nhanh…”, đại diện Tổng cục Địa chất và Khoáng sản dẫn giải.

Khẳng định cơ chế đã có sẵn, việc cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong cấp phép khai thác vật liệu xây dựng thông thường phục vụ công trình trọng điểm quốc gia hoàn toàn trong tầm tay của địa phương, đại diện này cũng cho rằng, khi giải quyết, các địa phương vẫn cộng dồn cơ học thủ tục hành chính dẫn chiếu, cho rằng từ khi cấp phép thăm dò tới cấp phép khai thác một mỏ vật liệu xây dựng thông thường phải mất 2-3 năm.

“Tôi khẳng định không phải như vậy. Chẳng hạn theo quy định cấp phép khai thác trong vòng 90 ngày, cấp phép thăm dò 90 ngày, nhưng xin nhấn mạnh đó là thời hạn tối đa. Còn không ai cấm anh cấp phép sớm, dù chỉ trong 1 ngày nếu đủ điều kiện”, đại diện Tổng cục Địa chất và Khoáng sản khẳng định.

Công an vào cuộc ngay nếu có dấu hiệu đầu cơ, thao túng

Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, đã nắm được thông tin về hiện tượng khan hiếm vật liệu cung cấp cho dự án cao tốc Bắc - Nam.

“Quan điểm của Bộ Công an là không hình sự hóa quan hệ dân sự nếu đó là giao dịch “thuận mua vừa bán” giữa các chủ mỏ được cấp phép khai thác đất với các nhà thầu. Tuy vậy, lực lượng công an sẽ vào cuộc xác minh, điều tra nếu có những biểu hiện của hoạt động đầu cơ, thao túng thị trường nhằm trục lợi”, ông Xô nói và cho biết, có thể các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an như: Cảnh sát kinh tế, An ninh kinh tế hoặc công an các địa phương đã vào cuộc xác minh nhưng chưa thể thông tin với báo chí ngay được vì đang trong giai đoạn điều tra.

“Theo tôi, báo chí nên tiếp tục tuyên truyền phản ánh sâu các góc độ về hiện tượng khan hiếm vật liệu làm cao tốc Bắc - Nam từ đó để các cấp chính quyền, công an vào cuộc xác minh nguyên nhân từ đâu, đưa ra giải pháp đối với vấn đề này”, ông Xô nói thêm.

82 mỏ đất quy hoạch làm cao tốc Bắc - Nam chưa được cấp phép

Đại diện Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) cho biết, theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật, 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 cần khoảng 52 triệu m3 vật liệu.

Số liệu khảo sát mỏ vật liệu của các đơn vị tư vấn thiết kế cho thấy tổng số mỏ cung cấp cho 11 dự án, gồm 81 mỏ đang khai thác (tổng trữ lượng khoảng 63,2 triệu m3), 12 mỏ đã hết thời hạn khai thác đang chờ gia hạn (tổng trữ lượng 28,8 triệu m3) và 82 mỏ trong quy hoạch nhưng chưa cấp phép khai thác (tổng trữ lượng khoảng 101,3 triệu m3) đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu vật liệu đất đắp cho toàn bộ 11 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Hiện tại, 6 dự án cao tốc gồm Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, cầu Mỹ Thuận 2) đang triển khai thi công xây dựng.

Khảo sát thực tế cho thấy, 3 dự án cao tốc (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2) cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu đắp. Tuy nhiên, dự án Mai Sơn - QL45 đoạn qua địa phận tỉnh Ninh Bình có 1 mỏ (trữ lượng 4,8 triệu m3); Vĩnh Hảo - Phan Thiết gồm 6 mỏ (tổng trữ lượng khoảng 4,17 triệu m3), Phan Thiết - Dầu Giây có 6 mỏ (tổng trữ lượng khoảng 6 triệu m3) đã có trong quy hoạch nhưng chưa được địa phương cấp phép khai thác.

“Trường hợp các địa phương (Ninh Bình, Bình Thuận, Đồng Nai) không kịp thời cấp phép khai thác cho các mỏ vật liệu này dẫn đến các dự án trên có nguy cơ thiếu hụt nguồn vật liệu đắp”, đại diện Cục QLXD&CLCTGT thông tin.

Đối với các dự án QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo dự kiến triển khai thi công trong quý II/2021, trong hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu có sử dụng các mỏ quy hoạch của địa phương mới đáp ứng được nhu cầu vật liệu đắp các dự án. Vì vậy, các địa phương cần phải khẩn trương thực hiện các công việc liên quan đến cấp phép khai thác và các điều kiện cần thiết khác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.