Mức án cao nhất lên tới 20 năm tù
Việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (CO3) ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 7 cán bộ thuộc CDC Hà Nội và các đơn vị liên quan đang gây xôn xao dư luận.
Nói về mức án trục lợi trong dịch bệnh Covid-19 mà Nguyễn Nhật Cảm và đồng phạm sẽ phải đối mặt, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, nếu hành vi của các bị can gây thiệt hại từ trên 100 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng, thì có thể phải nhận mức án từ 1 - 20 năm tù.
Điều 222 "Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, người nào thực hiện một trong những hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu như thông thầu, gian lận, cản trở, vi phạm quy định về bảo đảm công bằng, minh bạch... mà gây thiệt hại từ 100 - dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã từng bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.
Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 -12 năm: Vì vụ lợi; Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Gây thiệt hại từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng.
Phạm tội gây thiệt hại 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Như vậy, trong trường hợp thiệt hại đến 1 tỷ đồng thì các những người này sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù.
Sẽ xử điểm để làm bài học răn đe
Thông tin về việc Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cùng hàng loạt cán bộ trung tâm này bị bắt gây chấn động xã hội. Nhiều người bất bình vì việc lãnh đạo một trung tâm được coi là tuyến đầu chống dịch lại có hành vi trục lợi trong việc mua sắm trang thiết bị phòng, chống dịch Covid-19.
Bàn về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường nhìn nhận: Trong lúc cả nước đang gồng mình chống dịch Covid-19, hành vi trục lợi từ dịch bệnh của Nguyễn Nhật Cảm và những người liên quan ngoài việc có thể chịu mức án cao nhất trong khung hình phạt này đồng thời chịu sự lên án lớn của toàn xã hội.
"Hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi là hành vi đi ngược lại với quyền lợi của cả dân tộc, lợi ích của nhân dân, của đất nước. Hành vi này làm ảnh hưởng đến tinh thần chống dịch, làm hao mòn nguồn ngân sách và gây dư luận xấu trong nhân dân. Bởi vậy, việc phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm như thế này sẽ là những vụ án điển hình, sẽ là những bài học răn đe cho những kẻ có ý đồ lợi dụng bệnh dịch để trục lợi. Đối với hành vi này, Chủ tịch TP Hà Nội từng nói cần xử lý tăng nặng trách nhiệm đối với người vi phạm. Điều này, chắc chắn nhân dân sẽ ủng hộ", luật sư Cường phân tích.
Theo các văn bản của Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Công an và các chỉ đạo của Chính phủ ban hành trong thời gian gần đây về việc thực hiện các biện pháp cấp bách để phòng chống dịch bệnh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong phòng chống dịch bệnh, thì những vụ án như này có thể xét xử theo thủ tục rút gọn, xét xử nhanh, công khai, kịp thời để tuyên truyền cho hoạt động phòng chống dịch.
Ngày 22/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với 7 cán bộ thuộc CDC Hà Nội và các đơn vị liên quan về hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại khoản 3, Điều 222, bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Các bị can gồm: Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội; Nguyễn Vũ Hà Thanh, Trưởng phòng Tài chính kế toán thuộc CDC Hà Nội; Đào Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST); Nguyễn Trần Duy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành; Nguyễn Ngọc Nhất, nhân viên Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech; Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông; Lê Xuân Tuấn, nhân viên Phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận