Không những thế, đến hẹn lại lên, dịp giáp Tết này, các doanh nghiệp lại rục rịch hò nhau tăng giá bằng nhiều hình thức tinh vi. Đáng kể nhất là các DN vận tải tại Bến xe Miền Đông (TP Hồ Chí Minh) vừa công bố mức phụ thu giá cước dịp Tết Ất Mùi cao nhất lên tới 60% so với ngày thường. Điều này đồng nghĩa với việc người dân nghèo đi lại dịp Tết vừa phải chịu giá cước cao lại tiếp tục phải gánh thêm mức phụ thu phi lý do các nhà xe tự đặt ra.
Nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp vận tải đang sử dụng chiến thuật “câu giờ” để chờ Tết đến sẽ có lý do “tát nước theo mưa” tự ý tăng giá vé theo các mặt hàng khác. Đây cũng có thể là một “chiêu” các nhà xe sử dụng để áp mức phụ thu cao hơn vì cách tính phần trăm phụ thu dịp Tết dựa trên mức giá gốc ngày thường...
Câu hỏi đặt ra là liệu “chiến thuật” của các hãng vận tải có bị phá sản khi vào ngày hôm nay (15/1) là thời điểm mà Bộ Tài chính bắt buộc các hãng vận tải phải hoàn thiện bảng kê khai giá mới?
Dù Thông tư 129 của liên Bộ Tài chính - GTVT về thực hiện giá cước vận tải đường bộ cho phép các doanh nghiệp vận tải “chủ động” xây dựng và niêm yết giá cước. Quy định này được cho là xuất phát từ quan điểm để thị trường tự điều tiết và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nâng cao chất lượng, dịch vụ để tự cạnh tranh. Doanh nghiệp nào có chất lượng tốt, giá rẻ, an toàn, người dân sẽ lựa chọn và ngược lại.
Tuy vậy, những tính toán đó dường như đang không đi theo đúng quỹ đạo và mong muốn của những nhà làm luật bởi sự méo mó của thị trường vận tải hiện nay. Khi mà sự cạnh tranh chưa thực sự bình đẳng, không ít doanh nghiệp đã lợi dụng kẽ hở đó để phớt lờ những khuyến cáo và đề nghị giảm giá, tự ý áp phụ thu hòng trục lợi.
Đơn cử như việc lợi dụng dịp lễ, Tết nhu cầu đi lại tăng cao, các doanh nghiệp vận tải áp dụng phụ thu giá vé vì cho rằng để bù lỗ chiều rỗng là hết sức vô lý bởi dòng dịch chuyển hành khách hai chiều trong vận tải là cân bằng. Còn nhớ, dịp Tết Giáp Ngọ năm 2014, Báo Giao thông đã từng mở cuộc điều tra, làm rõ hệ số lợi dụng ghế trong hoạt động vận tải dịp Tết có chênh lệch nhưng không đáng kể.
Cụ thể, đơn cử như hệ số lợi dụng ghế những ngày cao điểm dịp Tết tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh khi xe xuất phát tại bến vẫn đảm bảo từ 50 - 60%. Năm nay, trong khi đường sắt, hàng không đều có chính sách giảm giá vé dịp Tết, việc vận tải đường bộ không những không giảm cước theo giá xăng mà còn áp dụng chính sách phụ thu là trái với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính và GTVT.
TS. Phạm Sanh, chuyên gia trong lĩnh vực giao thông nhận định, hiện nay văn bản pháp luật quy định giá cước không phải là mặt hàng Nhà nước quản lý, được điều tiết theo thị trường. Trong khi đó, các hiệp hội vận tải phần lớn chỉ lo bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp. Các giải pháp lâu nay thường chỉ là kêu gọi các doanh nghiệp giảm giá, giống như kêu gọi lòng thương trong cơ chế kinh tế thị trường nên không thể có kết quả. Vì thế mà doanh nghiệp vận tải dễ có cơ hội để thu lợi không chính đáng.
Ngọc Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận